Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bài Thủ khoa thạc sĩ Trường đại học Văn Lang chỉ học trong 10 tháng?, nhiều học viên tiếp tục phản ảnh và cho rằng nhà trường giải thích không thuyết phục và sai quy chế.
Học viên học bồi dưỡng sau đại học 5 học phần trước khi trúng tuyển
Qua xác minh, tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ Online, Phạm Thanh Danh (học viên ngành kế toán khóa 12 năm 2023 Trường đại học Văn Lang) tốt nghiệp ngành kế toán hệ chính quy loại khá vào năm 2007 tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM.
Ngày 11-2-2023, hiệu trưởng Trường đại học Văn Lang ký quyết định về việc công nhận nhập học cho học viên trúng tuyển kỳ tuyển sinh thạc sĩ đợt 3, năm 2022. Theo danh sách công nhận nhập học kèm theo quyết định trên có tên học viên Phạm Thanh Danh (sinh năm 1985) ngành kế toán.
Trong khi học viên Phạm Thanh Danh nhập học khóa 12 năm 2023 nhưng được bảo vệ đề án thạc sĩ ngành kế toán lúc 12h30 ngày 15-12-2023 cùng với các học viên khóa 11.
Theo các học viên, thông tin từ Viện Đào tạo sau đại học Trường đại học Văn Lang lại có quyết định thành lập hội đồng đánh giá đề án đổi thành ngày 25-5-2024 và ngày bảo vệ đổi thành ngày 1-6-2024 cho học viên Danh và các học viên khác, trong khi đó họ đã bảo vệ vào ngày 15-12-2023.
Trước đó, ngày 1-7-2022, ông Phạm Thanh Danh có đơn gửi Viện Đào tạo sau đại học và khoa kế toán – kiểm toán Trường đại học Văn Lang để “đăng ký học bồi dưỡng sau đại học” các học phần thuộc chương trình đào tạo trình độ sau đại học ngành kế toán.
Trong đơn này ông Danh đăng ký học 5 học phần với tổng cộng 16 tín chỉ, gồm: triết học, phương pháp nghiên cứu khoa học, phân tích dữ liệu trong kế toán, lý thuyết kế toán và tài chính công ty.
Đồng thời, học viên cam kết sẽ tham gia đầy đủ các học phần đã đăng ký và chấp hành đúng các quy chế, quy định của nhà trường.
Đơn này đã được Viện Đào tạo sau đại học và khoa quản lý chuyên môn của nhà trường ký tên chấp thuận. Sau đó, ông Danh được vào các học phần của chương trình đào tạo thạc sĩ cùng với các học viên ngành kế toán – khóa 11.
“Nhà trường hiểu nhầm nội dung thông tư, lỗi không thuộc về học viên”
Giải thích thêm về lý do học viên này được học trước một số học phần của chương trình đào tạo thạc sĩ khi chưa trúng tuyển đầu vào, lãnh đạo Trường đại học Văn Lang cho biết đã áp dụng theo quy định tại khoản 2, điều 4 thông tư 23/2021/TT-BGDĐT quy định về việc học trước chương trình đào tạo thạc sĩ.
“Thực tế Phạm Thanh Danh đăng ký xét tuyển thạc sĩ kế toán khóa 11 nhưng chưa được công nhận trúng tuyển do chưa đủ điều kiện tiếng Anh đầu vào. Tuy nhiên, nhà trường xét đơn của học viên và đồng ý cho học trước một số học phần chương trình thạc sĩ cùng các học viên khóa 11. Học viên này đã vào học trước, đến ngày 11-2-2023 mới được công nhận trúng tuyển khi bổ sung điều kiện ngoại ngữ”, đại diện nhà trường thừa nhận.
Qua xác minh, ông Phạm Thanh Danh được Trường đại học Văn Lang cấp chứng chỉ ngoại ngữ bậc 4 thi ngày 15-10-2022.
Cũng theo lãnh đạo Trường đại học Văn Lang, nhà trường đang làm giải trình về vụ việc trên theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chờ ý kiến chỉ đạo của bộ để xử lý trường hợp này.
“Thật ra lỗi này không thuộc về học viên. Việc này do nhà trường hiểu sai câu chữ trong thông tư 23.
Trường nghĩ rằng tất cả các đối tượng tốt nghiệp đại học từ loại khá trở lên ở bất kỳ trường nào cũng đều được đăng ký học trước chương trình đào tạo thạc sĩ. Chúng tôi không nghĩ đối tượng đăng ký học trước phải là người học tại cùng cơ sở đào tạo”, vị này nói.
Trong khi lãnh đạo Viện Đào tạo sau đại học cho hay khoa kế toán – kiểm toán nhà trường đã xây dựng đề án đào tạo thạc sĩ ngành kế toán và bắt đầu tuyển sinh từ năm 2021.
Đồng thời vị này cũng thừa nhận đã nhầm lẫn nội dung thông tư 23: “Thông tư 23 ban hành cuối tháng 8-2021 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15-10-2021, trong đó có những điều khoản hoàn toàn mới. Chúng tôi hiểu người đã tốt nghiệp đại học loại khá trở lên thuộc đối tượng được đăng ký học trước chương trình thạc sĩ.
Tôi nghĩ một sinh viên đang học đại học có thể đăng ký học trước vài học phần thạc sĩ thì một người đã tốt nghiệp đại học và đi làm rồi thì cũng đủ năng lực học sau đại học”.
Vi phạm quy chế đào tạo thạc sĩ
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quy định về việc học trước chương trình đào tạo thạc sĩ được quy định rất rõ trong thông tư 23.
Theo đó, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên), có học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và các điều kiện khác do cơ sở đào tạo quy định, có thể được đăng ký học trước một số học phần của chương trình đào tạo thạc sĩ tại cùng cơ sở đào tạo. Số tín chỉ được công nhận không vượt quá 15 tín chỉ.
“Như vậy, việc học viên Phạm Thanh Danh tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế TP.HCM năm 2007, không thuộc đối tượng được đăng ký học trước các học phần chương trình đào tạo thạc sĩ tại Trường đại học Văn Lang năm 2022. Thực tế nhà trường cho phép học viên này đăng ký học trước 16 tín chỉ, việc này cũng trái với quy định của thông tư 23.
Điều quan trọng hơn nữa là việc nhà trường cho phép học viên không trúng tuyển đầu vào được đăng ký học trước chương trình thạc sĩ là vi phạm nghiêm trọng quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, trưởng phòng đào tạo sau đại học một trường đại học ở TP.HCM nhận định.