Sao cứ phải ‘đơn xin’, dùng giấy đề nghị, phiếu đề nghị thay thế được không?

Tranh minh họa: DŨNG

Như Tuổi Trẻ Online phản ánh: Hiện nay nhiều dịch vụ giáo dục tăng thêm do trường cung cấp, phụ huynh, sinh viên phải trả tiền sử dụng nhưng vẫn phải “xin” để trường “cho”.

Không chỉ riêng gì lĩnh vực giáo dục, một số ngành nghề khác vẫn còn tình trạng này.

Theo bạn đọc Trần Xuân Tiến, từ “xin” trong các mẫu đơn đã lỗi thời. Nếu không mạnh dạn xóa bỏ, có thể sẽ phát sinh những hệ lụy phiền hà, nhũng nhiễu.

Nhằm góp thêm góc nhìn, sau đây là chia sẻ của bạn đọc này.

“Xin – cho” tác động đến hành vi, nhận thức

Thời gian qua dù đã cải cách nhiều thủ tục hành chính nhưng từ “xin” vẫn còn tồn tại trong nhiều mẫu đơn, ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Có thể liệt kê một số mẫu đơn có từ “xin” như: Đơn xin xuất hàng, Đơn xin nhập khẩu hàng hóa, Đơn xin gia nhập câu lạc bộ, Đơn xin cấp phép hoạt động, Đơn xin xác nhận hoàn cảnh khó khăn/hộ nghèo/cận nghèo, Đơn xin việc, Đơn xin ly hôn…

Xem qua những mẫu đơn như liệt kê trên, thật dễ dàng để có câu trả lời, tuy được sử dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống hằng ngày nhưng đều có chung từ “xin” trên tên của biểu mẫu.

Và còn có một điểm chung khác nữa, chính là vị thế của người viết biểu mẫu.

Sao cứ phải 'đơn xin', dùng giấy đề nghị, phiếu đề nghị thay thế được không ? - Ảnh 2.

Nhóm bạn trẻ làm hồ sơ đăng ký việc làm tại một công ty có chi nhánh tại TP.HCM – Ảnh: C.TRIỆU

Một số trường hợp không ít người tiếp nhận biểu mẫu xử lý với thái độ bề trên, thậm chí thị uy, gây khó khăn, phiền phức trong quá trình thực hiện, tạo cảm giác khó chịu, ức chế cho người viết biểu mẫu.

Vì mong muốn công việc được giải quyết suôn sẻ, người viết biểu mẫu đành ngậm bồ hòn làm ngọt, vui vẻ hoan hỉ cho qua.

Trong nhiều trường hợp, việc dùng chữ “xin” trong các văn bản, biểu mẫu đã hình thành cơ chế “xin – cho” từ trong nhận thức, đến hành vi ứng xử của các bên liên quan, nhất là ở phía người “cho”.

Lĩnh vực giáo dục cần tiên phong

Trong lĩnh vực giáo dục, không hiếm để bắt gặp những biểu mẫu tương tự: Đơn xin phép nghỉ học, Đơn xin đăng ký học phần chuyển đổi, Đơn xin cấp lại bằng tốt nghiệp, Đơn xin đăng ký dự thi cao học/nghiên cứu sinh.

Dù phải trả tiền cho các hoạt động, dịch vụ giáo dục nhưng người học vẫn phải dùng chữ “xin” trong các giấy tờ thủ tục?!

Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi nhận thức và có hành động phù hợp trước những thói quen không còn phù hợp với hoàn cảnh phát triển hiện tại. Mà lĩnh vực giáo dục, với vai trò khai phóng của mình, cần thể hiện tinh thần tiên phong trong việc xóa bỏ ý niệm “xin – cho”.

Các trường học, cơ sở giáo dục đào tạo cần thay đổi cách dùng từ để trả lại sự bình đẳng, đúng bản chất trong những hoạt động xử lý thủ tục giáo vụ hành chính.

Về phía người học, chúng ta cũng có thể chủ động thay đổi chữ “xin” thành “đề nghị”, “đăng ký” để thay đổi nếp nghĩ, nếp làm.

Chỉ cần thay đổi cách viết cũng giúp chúng ta thay đổi tư duy, hướng đến tinh thần hợp tác bình đẳng.

Khi xác định rõ bản chất sự việc thông qua cách dùng từ sẽ giúp thay đổi tâm thế và thái độ làm việc giữa người làm đơn và người tiếp nhận đơn, hạn chế sự nhầm lẫn về quyền và nghĩa vụ của cả hai bên.

Phải thay thành “đăng ký” hoặc “đề nghị”

Thực tế là dịch vụ công nói chung trong đơn vẫn là xin – cho. Như vậy không hợp lý, vì người làm dịch vụ công đã nhận lương từ ngân sách là để phục vụ. Người dân cần đóng góp nhiều ý kiến để xã hội văn minh, hội nhập quốc tế sâu rộng. Đó là việc cần thiết, thực tế khách quan đòi hỏi!

Bạn đọc Nguyễn Hà

Xã hội văn minh không phải lúc nào cũng “xin” mà thay bằng “đăng ký” hoặc “đề nghị”. Nên thay đổi để ngày càng tốt đẹp hơn.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *