Chạy lũ không kịp mang theo sách vở
Nhà bà Vi Thị Xuyến, ở thôn 3, xã Quang Kim (Bát Xát, Lào Cai), nằm ngay sau Trường tiểu học Quang Kim. Trước, sau đều là suối. Lũ về, nhà bà Xuyến là một trong những nhà bị nước lũ “ghé thăm” đầu tiên.
Ngày 9-9 vừa qua, nước ngập tới nóc, cả gia đình chỉ kịp mang theo những đồ đạc cần thiết nhưng sách vở của các con không kịp mang theo.
“Tủ lạnh nổi bồng bềnh, điều hòa đầy bùn, cái giường với cái bàn học của hai cháu mủn như cám” – bà Xuyến nói.
Bà Xuyến có hai cháu nội học ở Trường tiểu học Quang Kim. Bố mẹ các cháu cũng là giáo viên nhưng dạy học ở tận xã A Mú Sung, cách nhà gần trăm cây số. Sau lũ, bố mẹ các cháu phải xin nghỉ mấy hôm để ở nhà dọn bùn, sắp xếp lại nhà cửa.
Nhìn đống sách vở của các cháu ngấm bùn, nở bung, bà Xuyến chỉ biết thở dài. “May mắn là thầy cô đã xin được sách giáo khoa cho các cháu, chứ không thì chắc chúng tôi phải để cháu học “chay”” – bà Xuyến nói.
Cô giáo Nguyễn Thanh Hoa, hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Kim, cho hay cả trường có 70 em mất toàn bộ sách vở. Ngoài ra, gia đình của 300 em khác bị thiệt hại về tài sản.
Sau lũ có thêm nhiều học sinh nghèo
Trong 2 ngày 9 và 10-9 vừa qua, trận lũ chưa từng có làm ngập hầu hết khu vực trung tâm xã Quang Kim. Trường tiểu học Quang Kim nước ngập quá đầu người.
Đêm ngày 8-9, cô Hoa tất tả gọi điện cho các thầy cô giáo đến trường chạy lũ. Cả bộ đội, công an và người dân đến giúp. Họ chỉ kịp khuân giáo án, tài liệu, dụng cụ dạy học lên tầng hai thì lũ ập về. Nhiều thiết bị đắt tiền trong kho bị lũ dìm hư hỏng hết.
“Lúc ấy ai cũng lo chạy lũ nhưng vẫn sót. Mà nước dâng nhanh quá, nhiều thầy cô, phụ huynh chạy lũ ở trường thì ở nhà bị ngập” – cô Hoa chia sẻ.
Ông Giàng A Ngan, ở thôn Làng Pẩn 1, xã Quang Kim, bị lũ làm ngập hơn 1ha lúa chuẩn bị gặt. Nhà ông Ngan chỉ có vài mảnh ruộng nhưng ông mượn thêm ruộng của các nhà khác trong thôn để cấy lúa. Vụ lúa mất trắng vì lũ, ông Ngan chưa biết làm gì để có thêm tiền lo cho gia đình.
“May mắn cho chúng tôi là sách vở của các cháu không bị ngập, nhưng kinh tế của cả nhà bị thiệt hại nặng rồi. Nửa năm trông vào vụ lúa, bao nhiêu công cày cấy, phân gio… mà trắng tay” – ông Ngan thở dài.