Việc đùa cợt này xuất hiện phổ biến trong một bộ phận giới trẻ và mang một cái tên rất Tây là “sex joke”.
Chỉ là trò đùa?
Kiểu lệch lạc này đang dần lan rộng trên các diễn đàn, mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram, Threads… và được xem là “trò đùa”. Bên dưới những hình ảnh, video với nội dung hoàn toàn bình thường lại có nhiều bình luận thiếu lịch sự, liên quan đến tình dục, giới tính hay châm biếm về cơ thể người khác. Đối tượng bị “sex joke” không chỉ có nam, nữ mà còn những trẻ vị thành niên.
“Sex joke” là một thuật ngữ bắt nguồn từ Mỹ, có thể là một phần của văn hóa hài hước chỉ những trò đùa mang tính gợi dục. Có thể thấy trên các trang mạng tiếng Việt, ranh giới giữa việc nói đùa một chút với việc quấy rối tình dục rất mong manh. Việc quấy rối này đang bị xem nhẹ, một bộ phận giới trẻ không nhận thức được tác động tiêu cực của những lời nói này lên người khác.
Nhiều bạn trẻ xem nhẹ các kiểu ngụ ý quấy rối, bỡn cợt. Họ coi sự sai lệch này là điều vô hại, thậm chí thấy mình “tân tiến” khi đang hưởng ứng và cổ súy các kiểu “sex joke”. Một số bạn trẻ có thể cho rằng các trò đùa tình dục là bình thường, những kiểu đùa này lại được lặp đi lặp lại thường xuyên.
Thật bất ổn khi một bộ phận giới trẻ bình thường hóa các trò đùa có chủ đích gợi dục, quấy rối… thậm chí có thể lún sâu vào những suy nghĩ lệch lạc.
Quấy rối và hơn thế nữa
Thạc sĩ tâm lý Phạm Đình Khanh (giảng viên thỉnh giảng, tham vấn tâm lý – hướng nghiệp Trường đại học Văn Hiến) cho biết: “Sự nhầm lẫn giữa lối sống “thoáng” và “lệch lạc” có thể xảy ra khi các bạn trẻ thiếu kiến thức hoặc sự định hướng đúng đắn về các giá trị cá nhân và xã hội. Điều này có thể xuất phát từ việc thiếu kiến thức về giới tính, tình dục an toàn hoặc sự nhầm lẫn giữa sự hài hước và hành vi không phù hợp. Những trò đùa này có thể vô tình củng cố các định kiến tiêu cực về giới và tình dục”.
Lối sống hiện đại thường được hiểu là sự tự do cá nhân, bao gồm sự cởi mở về tình dục và các mối quan hệ, nhưng cần có sự tôn trọng đúng mức sự tự do và quyền lựa chọn của cá nhân. Không thể cổ súy kiểu trêu tục khiến người khác khó chịu! Việc này thật sự nguy hại khi những câu đùa tục gửi đến trẻ vị thành niên hoặc các em tiếp cận việc này hàng ngày trên mạng.
Trần Hồ Xuân Hương (sinh viên năm 3 Trường đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Mình vô cùng bất ngờ khi bắt gặp những bình luận thô tục, gợi dục trên các nền tảng mạng xã hội. Điều đáng lo hơn, đa phần các bình luận ấy xuất phát từ các tài khoản ẩn danh hoặc từ những người dùng chưa đủ tuổi. Đừng để những tư tưởng lệch lạc này bó chặt với cái mác “chỉ là trò đùa”” – Xuân Hương chia sẻ thêm.
Đáng sợ nhất khi một bộ phận nhỏ các bạn trẻ hiện nay thoải mái sử dụng những từ ngữ mang ngụ ý quấy rối tình dục tràn lan trên phương tiện đại chúng và coi việc này như một cách để gây chú ý hoặc tạo niềm vui. Đáng quan tâm ở đây là những nạn nhân của vô vàn bình luận bỡn cợt đó lại lựa chọn cách im lặng. Thậm chí nạn nhân còn không nhận thức được sự bỡn cợt này được núp bóng dưới bốn từ “trò đùa vô hại”.
“Sự lặp lại của những hành vi sex joke có thể dẫn đến việc nạn nhân có cảm giác bị cô lập xã hội và mất niềm tin vào các mối quan hệ xung quanh. Ngăn chặn kiểu đùa tục là điều vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe tâm thần, xây dựng một môi trường giao tiếp an toàn, nhất là với thiếu niên hàng ngày lên mạng. Đừng đùa tục quá trớn, điều này không phù hợp và thiếu sự tôn trọng cảm xúc của người khác”, ThS Phạm Đình Khanh chia sẻ.
Mối nguy với nạn nhân tuổi thiếu niên
Một nữ sinh lớp 7 thích quay TikTok đã thành nạn nhân của các kiểu bình luận rất tục từ chính các bạn cùng trường mình. Nội dung clip chỉ là hình ảnh của em trong những khoảnh khắc và trang phục em cho rằng mình là “bé xinh”. Nhưng rồi hình ảnh ấy được truyền đi với nhiều kiểu bình loạn về gương mặt, mắt, môi, ba vòng thân thể em… theo kiểu “dìm hàng” và phát tán.
Em đau khổ, hoang mang, không dám kể với cha mẹ, sợ hãi khi các bạn trai ở trường nhìn em và cùng cười giễu cợt. Rồi em đã mấy lần tự cắt cổ tay mình, sa sút học hành cho đến khi mẹ em biết về điều này và giúp con bình tâm trở lại.
Đây là chuyện không còn cá biệt ở tuổi teen từ nhiều năm trước. Giờ đây, những hình ảnh bình thường nhất của học trò cũng có thể thành “mồi” cho các kiểu trêu đùa tục trên mạng. Những lời lẽ đó nhiều đến mức nhiều em thấy bình thường, hồn nhiên gõ thành chữ trên phím gửi lên mạng, thậm chí nói ra thành lời ở trường, ở quán trà sữa, ở lớp học thêm.
Bạn nghĩ sao khi những kiểu đùa trêu cợt nhã có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn, có thể đẩy nhiều nạn nhân vào cảm xúc hoang mang, sợ hãi và số nhiều người khác nhiễm lối nói này?