Sau khi cơ quan chức năng siết thuê bao di động nhằm hạn chế SIM rác, nhiều cá nhân và doanh nghiệp chuyên tiếp thị, quảng cáo đã chuyển sang sử dụng số điện thoại cố định để liên lạc với khách hàng. Đặc biệt, những kẻ lừa đảo cũng tận dụng cách thức này để “giăng bẫy” con mồi.
Đại diện nhà mạng Viettel
Mất thời gian, gián đoạn công việc
Anh Trung Thành (quận 12, TP.HCM) đang dự cuộc họp quan trọng với lãnh đạo công ty thì điện thoại đổ chuông. Anh thấy số bàn gọi đến, không rõ là ai nên đành xin phép ra ngoài nghe điện thoại.
Nhấn nút nghe thì đầu bên kia vang lên: “Chào anh Thành, em gọi anh từ công ty chứng khoán… Anh có thể cho em vài phút nói chuyện với anh về dịch vụ bên em được không?”. Anh Thành lịch sự từ chối nhưng trong lòng “thực sự bực mình”.
“Những cuộc như thế này mất thời gian và làm gián đoạn công việc của người nhận. Do gọi từ số bàn không rõ ai gọi nên không thể từ chối ngang sẽ mất lịch sự, nhưng nhận thì thật sự khó chịu” – anh Thành bức xúc.
“Đang đi xe máy dưới mưa thì điện thoại đổ chuông. Số gọi đến là số bàn nên tôi không biết ai nhưng cũng đang chờ cuộc gọi quan trọng từ đối tác nên tôi phải dừng xe lại để nghe. Đầu bên kia vang lên giọng nói hỏi đúng tên tôi rồi bắt đầu: em gọi từ bộ phận chăm sóc ngân hàng… anh thuộc đối tượng được vay gói ưu đãi…
Tôi tắt ngay máy và muốn đập luôn cái điện thoại của mình”, anh Thanh Hải (quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể lại với giọng đầy bức xúc.
Anh Hải cho biết trong ngày hôm đó đã nhận được 3 – 4 cuộc điện thoại từ số bàn cũng cùng nội dung quảng cáo từ các ngân hàng và công ty chứng khoán.
“Lúc đầu tôi còn ráng lịch sự trả lời mình không có nhu cầu, nhưng đến khi phải nhận đến 3 – 4 cuộc gọi cùng nội dung thì tôi thật sự phát cáu. Và cuộc gọi lúc đang đi ngoài đường dưới mưa thực sự làm tôi bức xúc. Giờ thấy số điện thoại cố định gọi đến là tôi chẳng muốn nghe nữa”, anh Hải cho biết.
Bùng phát mạnh gần đây
Anh Văn Trọng (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng cho biết nhiều lần nhận cuộc gọi từ số điện thoại cố định tận tỉnh Vĩnh Phúc (đầu số 0211888). Lúc đầu, số gọi đến là 02118883359, anh Trọng nghe máy thì nhận được thông báo tự động: Quý khách đủ điều kiện vay ngân hàng đến sáu tháng lương, nếu có nhu cầu thì nhấn phím 1 để liên lạc lại. Liên tiếp nhiều ngày sau đó, anh Trọng nhận được các cuộc gọi tương tự đến từ các số 02118882033, 02118887881, 02118884081.
“Ngoài các số trên còn có nhiều số cố định khác từ TP.HCM (đầu số 028) và Hà Nội (024) gọi đến với các nội dung từ quảng cáo cho đến cả lừa đảo. Có số còn gọi đến mạo danh Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) hù dọa chặn hai chiều thuê bao của tôi do liên quan đến một vụ việc nghiêm trọng. Khi tôi cảnh báo kẻ lừa đảo thì nhận lại được những lời văng tục”, anh Trọng cho biết.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tình trạng cuộc gọi rác từ số cố định bùng phát mạnh thời gian gần đây. Nội dung các cuộc gọi thường là tiếp thị dịch vụ ngân hàng, cho vay tín dụng, môi giới chứng khoán. Đặc biệt có cả những nội dung lừa đảo như thông báo trúng thưởng; mạo danh nhân viên ngân hàng; mời gọi đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp với lợi nhuận siêu hấp dẫn; mạo danh nhà mạng, cơ quan chức năng đe dọa khóa SIM; mời tham gia làm nhiệm vụ nhận hoa hồng…
Tần suất các cuộc gọi rác từ số cố định gần như diễn ra liên tục. Nhiều thuê bao cho biết gần như ngày nào cũng nhận được cuộc gọi rác từ số cố định. Có người thậm chí còn bị “khủng bố” đến 4 – 5 cuộc gọi rác. Các thuê bao đều cho biết vô cùng bức xúc vì vừa bị làm phiền vừa ảnh hưởng đến các công việc khác. Nhiều người còn sợ đến độ nhìn thấy số cố định gọi đến là không dám nhấc máy nghe.
Nhà mạng nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện nhà mạng VinaPhone cho biết đã ghi nhận đến hàng trăm phản ảnh của khách hàng về cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo qua các đầu số cố định mạng khác (02888, 02999), hơn chục phản ảnh về các cuộc gọi rác qua tổng đài ảo.
“Chúng tôi có hệ thống tự động phát hiện các thuê bao thực hiện phát tán tin nhắn rác/tin nhắn spam và thực hiện cuộc gọi rác/cuộc gọi spam. Đối với tin nhắn sẽ đưa thuê bao vào khóa chiều gọi đi. Với cuộc gọi rác/cuộc gọi spam thì thực hiện khảo sát người nghe, nếu từ hai người trả lời có (Yes) trở lên thì thực hiện khóa chiều gọi đi”, đại diện VinaPhone cho biết.
Đại diện nhà mạng này cũng cho biết có thể xử lý được 90% tin nhắn rác do hệ thống kỹ thuật có thể tự động nhận diện được hành vi nhắn tin spam.
Tuy nhiên, “đối với cuộc gọi rác do phụ thuộc vào kết quả khảo sát của khách hàng, hệ thống kỹ thuật nhà mạng không ghi âm hay lắng nghe nội dung cuộc gọi nên không thể nhận diện tự động được cuộc gọi spam, cuộc gọi lừa đảo nên không thể xử lý triệt để được”, đại diện VinaPhone chia sẻ.
Tương tự, đại diện nhà mạng MobiFone cũng cho biết: “Cuộc gọi rác xuất phát từ hành vi của đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông. Nhà mạng không có cơ sở để đánh giá khách hàng đã nhận được cuộc gọi lừa đảo. Các phản ảnh về cuộc gọi lừa đảo sẽ được chúng tôi chuyển thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước để phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ”.
Các nhà mạng đều khẳng định họ không có thẩm quyền xử phạt các thuê bao vi phạm. “Việc xác định cuộc gọi lừa đảo là của cơ quan chức năng, với nhà mạng sẽ tuân thủ quy định của cơ quan nhà nước để ngăn chặn hiệu quả thuê bao vi phạm cuộc gọi rác” – đại diện MobiFone cho biết thêm.
Trong khi đó, đại diện nhà mạng Viettel cho biết đã triển khai hệ thống Antispam call ứng dụng công nghệ AI (Pattern Matching), Big data để nhận diện nhanh các thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.
Đồng thời, “Viettel mong người dân tích cực phản hồi tin nhắn khảo sát cuộc gọi rác, lừa đảo để cùng chung tay ngăn chặn triệt để vấn nạn này”, đại diện nhà mạng này cho biết.
Các phản ảnh về cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đều sẽ được Viettel chuyển sang Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) để phối hợp với cơ quan công an xác minh và xử lý.
Cẩn trọng khi nhận cuộc gọi nghi lừa đảo
Khi nhận các cuộc gọi đến có dấu hiệu lừa đảo hoặc không đáng tin, người dùng chú ý tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số căn cước, số tài khoản ngân hàng… cho bất kỳ ai khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó.
Đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Người dùng cũng không cài đặt các phần mềm lạ theo hướng dẫn của các cá nhân chưa rõ nhân thân, lai lịch.
Các cơ quan chức năng, các tổ chức chính quyền, doanh nghiệp không yêu cầu người dân, khách hàng cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân, mật khẩu OTP… qua điện thoại.
Công khai số điện thoại lừa đảo
Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận đã công khai các số điện thoại di động gồm 0565412664, 0565710164, 0565004895, 0565077149, 0565038554, 0916488932, 0916552618, 0947485734.
Những số này đã gọi điện đến một số cá nhân là lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh. Những người gọi tự xưng là lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, đề nghị hoặc yêu cầu thực hiện một số nội dung với mục đích lừa đảo.