Tại sao trẻ em khó tập trung?

Hiện tại có vẻ như trẻ em phân tán sự chú ý của mình một cách rộng rãi đơn giản vì tò mò – Ảnh: worldofchildren.org

Trong một nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu phát hiện việc “phân tán sự chú ý” này không phải do não bộ của trẻ em chưa đủ trưởng thành để hiểu nhiệm vụ hoặc tập trung chú ý, và cũng không phải vì chúng dễ bị phân tâm và thiếu khả năng kiểm soát để tập trung.

Trẻ em dễ bị phân tán sự chú ý

Hiện tại có vẻ như trẻ em phân tán sự chú ý của mình một cách rộng rãi đơn giản vì tò mò, hoặc vì trí nhớ làm việc của chúng chưa phát triển đủ để hoàn thành một nhiệm vụ mà không “khám phá quá mức” những thứ xung quanh.

“Trẻ em dường như không thể ngăn mình thu thập nhiều thông tin hơn mức cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ, ngay cả khi chúng biết chính xác những gì mình cần”, Vladimir Sloutsky, đồng tác giả của nghiên cứu và là giáo sư tâm lý học tại Đại học bang Ohio cho biết.

Sloutsky đã thực hiện nghiên cứu này, được công bố gần đây trên tạp chí Psychological Science, cùng với tác giả chính Qianqian Wan, một nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành tâm lý học tại Đại học bang Ohio.

Sloutsky và các đồng nghiệp đã thực hiện nhiều nghiên cứu trước đây ghi nhận cách mà trẻ em phân tán sự chú ý rộng rãi, và dường như không có khả năng trong việc hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả như người lớn bằng cách bỏ qua những gì không liên quan đến mục tiêu của mình.

Trong nghiên cứu mới này, Sloutsky và Wan đã xác nhận rằng ngay cả khi trẻ em thành công trong việc học cách tập trung chú ý vào một nhiệm vụ để nhận những phần thưởng nhỏ như hình dán, chúng vẫn “khám phá quá mức” và không chỉ tập trung vào những gì cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ. 

Một mục tiêu của nghiên cứu này là để xem liệu khả năng dễ bị phân tâm của trẻ em có thể là lời giải thích hay không.

Trí nhớ làm việc chưa phát triển đầy đủ ở trẻ em

Tại sao trẻ em khó tập trung? - Ảnh 2.

Trẻ em Trung Quốc trong giờ học – Ảnh tư liệu AFP

Nghiên cứu bao gồm trẻ em từ 4 đến 6 tuổi, và người lớn cùng tham gia. Họ được yêu cầu xác định hai loài sinh vật giống chim có tên là Hibi hoặc Gora. Mỗi loài có sự kết hợp độc đáo về màu sắc và hình dạng cho sừng, đầu, mỏ, thân, cánh, chân và đuôi.

Đối với sáu trong số bảy bộ phận cơ thể, sự kết hợp giữa màu sắc và hình dạng đã giúp dự đoán được đó là Hibi hay Gora với độ chính xác 66%. Nhưng một bộ phận cơ thể luôn hoàn toàn khớp với một trong những sinh vật mà cả trẻ em và người lớn đều nhanh chóng học cách nhận dạng trong phần đầu của nghiên cứu.

Để kiểm tra xem trẻ em có dễ bị phân tâm hay không, các nhà nghiên cứu đã che lại từng bộ phận cơ thể, nghĩa là những người tham gia nghiên cứu phải lần lượt khám phá từng bộ phận để xác định đó là sinh vật nào. Họ sẽ được thưởng khi xác định sinh vật càng nhanh càng tốt.

Đối với người lớn, nhiệm vụ này rất dễ dàng. Nếu họ biết đuôi là bộ phận cơ thể luôn hoàn toàn khớp với một trong hai loại sinh vật, họ luôn mở đuôi và xác định đúng sinh vật đó. Nhưng trẻ em thì khác. Nếu trẻ biết đuôi là bộ phận cơ thể luôn hoàn toàn khớp với một sinh vật, trẻ sẽ mở đuôi trước – nhưng chúng vẫn sẽ mở các bộ phận cơ thể khác trước khi đưa ra lựa chọn của mình.

“Không có gì để làm trẻ em bị phân tâm – mọi thứ đều đã bị che lại. Chúng có thể làm như người lớn và chỉ chọn vào bộ phận cơ thể xác định sinh vật, nhưng chúng không làm như vậy. Chúng cứ tiếp tục khám phá thêm các bộ phận cơ thể khác trước khi đưa ra lựa chọn” -Sloutsky nói.

Các nghiên cứu trong tương lai sẽ xem xét liệu hành động khám phá không cần thiết này có phải chỉ là sự tò mò đơn thuần hay không, Sloutsky cho biết. Nhưng ông nghĩ rằng lời giải thích có khả năng xảy ra hơn là trí nhớ làm việc chưa phát triển đầy đủ ở trẻ em. Điều đó có nghĩa là chúng không giữ lại được thông tin cần thiết để hoàn thành một nhiệm vụ trong bộ nhớ của mình trong thời gian dài, ít nhất là không lâu như người lớn.

“Trẻ em đã học rằng một bộ phận cơ thể sẽ cho chúng biết sinh vật đó là gì, nhưng chúng có thể lo lắng rằng chúng không nhớ chính xác. Trí nhớ làm việc của chúng vẫn đang phát triển” – Sloutsky nói.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *