Chúng tôi từng tiếp nhận nhiều vận động viên trẻ tuổi hoặc người tập thể hình gặp phải các biến chứng như tổn thương gan, các vấn đề về tim mạch, các rối loạn tâm thần như hung hăng, thay đổi tâm trạng, và các rối loạn nội tiết như giảm sản xuất hormone tự nhiên.
Đừng dùng quá nhiều creatine, protein
Tổn thương thận do dùng quá nhiều creatine, protein. Có trường hợp tập thể hình, tập gym cường độ cao, kéo dài, kèm dùng nhiều creatine và protein đã dẫn đến tiêu cơ vân, tiểu hồng cầu, protein, tăng creatinin, urê máu, tăng kali… dẫn đến suy thận cấp phải lọc máu, chạy thận. Cách đây không lâu chúng tôi đã tiếp nhận một số trường hợp này điều trị tại Bệnh viện E.
Protein whey có nguồn gốc từ phần chất lỏng của sữa tách ra trong quá trình làm phô mai. Đây là hỗn hợp của protein và các thành phần khác. Tác dụng phụ có thể khi dùng whey protein hay gặp như về tiêu hóa (bị đầy hơi, co thắt dạ dày hoặc tiêu chảy), đặc biệt gặp ở những người không dung nạp lactose, dị ứng với người bị dị ứng sữa.
Dùng quá nhiều whey protein có thể dẫn đến quá tải chức năng thận, đặc biệt ở những người có tiền sử bệnh thận. Ngoài ra sẽ làm tăng mụn trứng cá, mất cân bằng dinh dưỡng do sử dụng quá nhiều, giảm chất dinh dưỡng thiết yếu động, thực vật tự nhiên.
Suy nhược cơ thể, vô sinh vì thuốc tăng cơ
Đối với việc sử dụng hormone tiền hoặc hướng steroid đồng hóa kéo dài có thể gây tổn thương gan, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mất cân bằng nội tiết tố.
Thậm chí có thể làm giảm sản xuất testosterone tự nhiên, vô sinh, yếu sinh lý, thay đổi tâm trạng, trạng thái tâm thần theo hướng tăng tính hung hăng. Sử dụng lâu dài có thể gây nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.
Cụ thể, khi sử dụng thuốc và thực phẩm bổ sung tăng cơ kéo dài, gây hệ thống sinh lý, sinh hóa cơ thể phụ thuộc vào dùng thuốc và thực phẩm bổ sung, dẫn đến cơ chế feedback (phản hồi ngược) – ức chế quá trình đồng hóa, chuyển hóa, dung nạp, hấp thu protein, đường, chất béo, muối khoáng, vi lượng từ nguồn tự nhiên.
Hậu quả cuối cùng là khi dừng sử dụng thuốc và thực phẩm bổ sung đột ngột, không đúng cách, kèm theo dừng tập luyện tăng cơ sẽ dẫn đến rối loạn trầm trọng chức năng đồng hóa, chuyển hóa, dung nạp, hấp thu các chất này, gây “xổ cơ”, teo nhẽo cơ, cơ tim, suy giảm chức năng hệ thống vận động, tuần hoàn, nội tiết, sinh dục, chuyển hóa muối nước… Cuối cùng là cơ thể suy nhược, tàn phế.
Làm gì để tăng cường cơ bắp an toàn
Cần khám bác sĩ thể thao, bác sĩ chuyên khoa liên quan để đánh giá tình trạng bản thân, bệnh tật liên quan, điều trị triệt để; đánh giá năng lực thể chất, thể lực. Đặc biệt, trong quá trình tập luyện nên phối hợp với huấn luyện viên và bác sĩ thể thao khám đánh giá tình trạng và được tư vấn chọn, kê đơn luyện tập bài tập nâng cơ, kết hợp sử dụng thực phẩm bổ sung, có thể dùng thuốc hỗ trợ kích thích tăng cơ khi cần thiết.
Để tăng cơ bắp an toàn, người tập thực hiện chương trình tập luyện, dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung và thuốc hỗ trợ theo phác đồ bác sĩ thể thao, bác sĩ chuyên sâu (nếu có), huấn luyện viên chỉ định. Cần khám định kỳ, kiểm tra chương trình nâng cơ cũng như tác dụng phụ để có điều chỉnh phù hợp, điều trị tác dụng phụ kịp thời.