Các địa điểm sạt lở đất ở Cao Bằng đều nằm ở vùng núi cao, các tuyến đèo, dốc, vùng sâu, suối xa, khiến công tác cứu nạn, cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Công an, quân đội… đang nỗ lực tìm kiếm những nạn nhân mất tích cuối cùng do sạt lở đất.
Công an, quân đội nỗ lực tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích cuối cùng
Từ thành phố Cao Bằng men theo quốc lộ 34 ngoằn ngoèo hơn 70km, xóm Khuổi Ngọa (xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) với những ngôi nhà lúp xúp nằm rải rác bên sườn núi.
Người dân nơi đây nhiều đời nay sống hài hòa với thiên nhiên, được núi rừng bao bọc, che chở.
Sau ảnh hưởng của cơn bão Yagi (bão số 3), quốc lộ 34 vòng quanh những dãy núi trùng điệp, nhọn hoắt đâm lên trời xanh, đan xen những thửa ruộng bậc thang vàng óng giờ đây ngập ngụa trong bùn đất, với hàng chục điểm sạt lở.
Trong ký ức của những người dân xã Ca Thành chẳng thể quên vụ sạt lở núi xảy ra vào rạng sáng 9-9, tại km180+650 (quốc lộ 34, đoạn qua xã Ca Thành) khiến một xe khách (có 23 người trên xe), một ô tô con chở 4 người cùng nhiều người đi xe máy rơi xuống suối.
Vụ sạt lở khiến 32 người chết, 1 người bị thương.
Suốt 10 ngày qua, các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, người dân Cao Bằng đã nỗ lực, tìm kiếm được hàng chục thi thể nạn nhân bị cuốn trôi xuống suối.
Công an tỉnh Cao Bằng cho biết đến nay (ngày 19-9) chỉ còn hai người mất tích, đang được lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm.
Nhiều ngày qua, hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Công an, quân đội bám vách đá, vượt suối tìm người
Trong ngày 18-9, hơn 20 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng công an, quân đội cùng dân quân tự vệ, người dân huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) tiếp tục lùng sục con suối Ca Thành để tìm hai nạn nhân cuối cùng còn mất tích.
Từ 6h sáng, các cán bộ, chiến sĩ phải chạy xe máy khoảng 30-40km đến tập trung tại UBND xã Ca Thành. Sau đó, họ chia thành các nhóm băng rừng, lội suối, men theo hai bên bờ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm.
Trời nắng ráo nhưng dòng suối Ca Thành vẫn cuồn cuộn chảy, nhiều đoạn chảy xiết, nước tung bọt trắng xóa, đá gập ghềnh, một lúc lại có đoạn nước sâu ngập quá bụng người… Mấy ngày trước, lũ chưa rút, đội tìm kiếm phải dùng dây thừng kéo nhau qua từng khe đá tránh bị nước kéo đi.
Có những đoạn vách đá hai bên bờ dựng đứng, các cán bộ, chiến sĩ tay không bám đá, vượt suối dữ, tìm mọi ngóc ngách, bụi cây, khe suối. Hôm trước, một người trong đoàn kể có một thi thể nạn nhân mắc trong bụi cây sát bờ suối.
“Nước lũ tràn về những ngày qua đã đào sâu lòng suối, nhiều đoạn rất sâu, nước xiết, chỉ cần sẩy chân rơi xuống suối là bị cuốn trôi trong tích tắc, anh em phải bám thật chắc vào vách đá, đảm bảo an toàn tuyệt đối”, thiếu tá Ngô Văn Sinh – cán bộ Công an huyện Nguyên Bình – dặn dò mọi người trong đoàn tìm kiếm.
Quá trình tìm kiếm, đội tìm kiếm phải đi bộ hàng chục cây số, từ dầm mình dưới suối đến băng rừng, vượt đèo thẳng đứng. Người sau giẫm lên vết chân người trước, tránh rủi ro bị sụt lún.
Vất vả, nguy hiểm, song cán bộ, chiến sĩ đều hy vọng tìm kiếm được nạn nhân xấu số, đưa thi thể về với gia đình.
Các cán bộ, chiến sĩ phải đi bộ băng rừng, lội suối hàng chục cây số giữa nắng gắt – Ảnh: HÀ QUÂN
Việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm – Ảnh: HÀ QUÂN