Nhau bong non là thế nào?
Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí vừa tiến hành phẫu thuật cấp cứu lấy thai cho một sản phụ mang thai ở tuần thai thứ 35 vì máu tụ do nhau bong non.
Chị C.T.H.T. (32 tuổi) cho biết thấy đau bụng và ra máu sau khi chơi cùng con trai 2 tuổi. Trước đó trẻ có nhảy mạnh và ôm vào vùng bụng của chị.
Tưởng chừng đây chỉ là điều thường gặp của các mẹ bầu khi chăm con nhỏ, tuy nhiên sau đó chị cảm thấy đau bụng nhiều, ra máu âm đạo và được người nhà đưa đến cấp cứu.
Các bác sĩ phát hiện trong âm đạo của sản phụ có nhiều máu cục, hình ảnh siêu âm nghi ngờ tình trạng nhau bong non và hội chẩn mổ cấp cứu cho sản phụ. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã phát hiện có khoảng 100g máu cục sau bánh nhau, có tình trạng nhau bong non.
Các bác sĩ bệnh viện cho biết tử cung người mẹ có thể giúp bảo vệ thai nhi khỏi va chạm hằng ngày. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị va đập mạnh vào bụng bầu có thể gây ra những dấu hiệu như đau bụng tăng dần, ra máu bất thường…
Đây là những biểu hiện của nhau bong non, tình trạng bánh nhau bóc tách sớm một phần hoặc toàn phần ra khỏi thành tử cung trước khi chuyển dạ do sự hình thành khối máu tụ sau nhau. Khối máu tụ này lớn dần sẽ làm bong bánh nhau ra khỏi thành tử cung, cắt đứt nuôi dưỡng giữa mẹ và thai nhi.
Tương tự, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa mổ cho sản phụ Lê Thị P.M. (29 tuổi, Hà Nội) mang thai lần 3 ở tuần thứ 35 nhập viện trong tình trạng vật vã, mệt mỏi, đau bụng dữ dội.
Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy có tình trạng nhau bong non nên hội chẩn cấp cứu. Chỉ sau 10 phút từ khi nhập viện, sản phụ đã được phẫu thuật thành công, bé gái nặng 1.900g chào đời và bảo toàn tử cung cho sản phụ.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cảnh báo, nhau bong non là bệnh cảnh nguy hiểm đe dọa tính mạng sản phụ và thai nhi nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Vì vậy, trong quá trình mang thai nếu xuất hiện đau bụng liên tục, có thể kèm ra máu âm đạo, đặc biệt với những trường hợp sau chấn thương vùng bụng hoặc có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiền sản giật, cần phải đến khám ngay tại cơ sở y tế có khả năng phẫu thuật để kiểm tra, đánh giá và phát hiện bệnh kịp thời.
Sản phụ sức khỏe tốt vẫn bị nhau bong non
Theo bác sĩ Vũ Thị Dung – trưởng khoa điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, nhau bong non thường xảy ra ở các trường hợp sản phụ có tiền sử tăng huyết áp, tiền sản giật hoặc do chấn thương, nhưng có những trường hợp sản phụ hoàn toàn khỏe mạnh cũng gặp tình trạng này.
Sản phụ Lê Thị H. (Quảng Ninh) đang mang thai khỏe mạnh ở tuần thứ 33 thì cảm thấy đau bụng dưới, cơn đau mỗi lúc dày thêm. Chị nhập viện cấp cứu trong tình trạng cơn co tử cung rối loạn, tần số 6, tim thai có dấu hiệu suy, tử cung co cứng. Trên hình ảnh siêu âm có khối máu tụ sau rau 7× 9cm.
Hội chẩn cấp cứu kết luận suy thai cấp, nhau bong non và chỉ định phẫu thuật cấp cứu để cứu sống thai nhi.
“Trường hợp như sản phụ H. là rất hy hữu. Bởi trước đó sức khỏe của sản phụ hoàn toàn ổn định. Rất may sản phụ đã đến viện ngay và được phẫu thuật cấp cứu kịp thời cứu được cả mẹ và con, nếu không tính mạng của sản phụ và thai nhi có thể nguy hiểm, hơn nữa tử cung sẽ phải cắt bỏ để tránh chảy máu” – bác sĩ Dung cho biết.
Theo bác sĩ Dung, nhau bong non là sự bong sớm của nhau thai khi thai chưa sổ và là một biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ.
Đây là cấp cứu sản khoa thường xảy ra 3 tháng cuối thai kỳ, gặp ở khoảng 0,6 – 1% phụ nữ mang thai, thường ở những người sinh từ con thứ 2, lớn tuổi (80%); huyết áp cao, nhiễm độc thai nghén (khi có thai mới bị tăng huyết áp, trước đó chưa bao giờ bị);
Do bị chấn thương trực tiếp vào bụng; bị kim đâm vào bánh nhau khi chọc dò ối không đúng chỗ gây chảy máu hoặc những người có chế độ ăn uống kém, thiếu axit folic, vitamin A, canxi hay thiếu máu…
Các chuyên gia sản phụ khoa khuyến cáo: các sản phụ trong suốt quá trình mang thai, đặc biệt là 3 tháng cuối của thai kỳ cần khám, theo dõi thai kỳ cẩn thận. Khi có hiện tượng sau:
1. Cơn co tử cung bất thường: Từ tháng thứ 7 trở đi sản phụ sẽ có cơn co tử cung nhẹ, tuy nhiên cơn co này rất nhẹ và ít. Nhưng nếu đột ngột cơn co mạnh, tần suất tăng bất thường kèm theo đó là co cứng phần bụng dưới nhiều thì nên đi khám ngay.
2. Ra máu âm đạo bất thường: Nếu thấy xuất hiện 1 trong 2 triệu chứng hoặc cả 2 triệu chứng trên sản phụ cần đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng cho cả sản phụ và thai nhi.
Để tránh xảy ra hiện tượng nhau bong non gây nguy hiểm cho cả mẹ và con, người phụ nữ khi mang thai cần chú ý khoảng cách giữa 2 lần sinh không nên kéo dài quá 7 năm.
Khi có thai phải được chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý: nên đăng ký khám thai định kỳ tại một cơ sở y tế uy tín ngay sau khi có thai để được bác sĩ tư vấn và quản lý thời kỳ thai nghén; bổ sung axit folic trước và ngay sau khi mang thai…
Khi phát hiện các yếu tố nguy cơ cao như: xuất huyết, đau bụng dưới… cần kịp thời đến bệnh viện chuyên khoa sản để được khám chữa và xử trí kịp thời.
Ở những thể nhau bong non nặng mặc dù đã được xử trí nhưng tính mạng mẹ và thai nhi vẫn bị đe dọa nhiều vì các biến chứng sốc mất máu, vô niệu…