Theo ba mẹ vào công xưởng

Mỗi khi giải lao, Gia Hân chạy đến nói chuyện cùng cô đồng nghiệp của mẹ tại xưởng may – Ảnh: CÔNG TRIỆU

Mà những đứa trẻ lớn lên trong nghèo khó có vẻ rất hiểu chuyện, cứ lặng lẽ một góc tự học tự chơi.

Có bạn chơi chung

Tại một xưởng may ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), ba đứa trẻ khúc khích nói cười cùng nhau phía cuối xưởng. Chơi chán rồi lại túm tụm ê a đọc chữ trong tiếng máy may chạy rè rè hối hả cạnh bên. “Con vô đây hoài, còn thích hơn ở nhà nhiều” – bé Út Linh (4 tuổi) nhoẻn miệng cười khi được hỏi.

Chị Kim Tuyền – mẹ Út Linh – cũng không nhớ nổi số lần đã đưa con vào xưởng may, chỉ nhớ lần đầu lúc con còn bé xíu.

Chị cũng định gửi nhưng vì con còn bé quá không ai nhận. Mà tính tới lui thấy lương công nhân có nhiêu đâu, nếu xin nghỉ ở nhà trông con lấy gì đắp đổi. Còn gửi con có khi còn tốn hơn tiền lương nên biết khó nhưng đành phải mang con vào nhà máy, riết thành quen.

“Mình phải xin trước với chủ chứ, được cái họ cũng thoải mái và hỗ trợ nhiều lắm. Với bé cũng phải ngoan chứ vào mà quậy với khóc la ảnh hưởng tới mọi người sao được, mình cũng đâu chịu nổi” – chị Tuyền cười.

Ở đó, Út Linh nhỏ tuổi nhất nên được gọi là út. Hai bạn nhỏ còn lại là Nguyên (6 tuổi) và Ngọc (5 tuổi) cũng đều là con của các công nhân tại đây. Là anh cả của nhóm nên Nguyên được giao nhiệm vụ quản luôn hai em. Vậy là thích ra mặt, ra vẻ giữ vai trò trưởng nhóm lắm và rất chú tâm đến hai đứa em.

Rồi cậu bé lý lắc bảo “ngày nào con cũng phải nghĩ coi hôm nay sẽ làm trò gì cho các em vui”. Chơi cùng nhau đã đời, Nguyên lon ton chạy đi lấy nước đưa lại cho hai em: “Uống đi nè, sáng giờ đã uống gì đâu”. Vậy là mỗi đứa một ly nước lọc ừng ực uống, hí hửng nhìn nhau cười.

Thích hơn ở nhà

“Mẹ ơi con vẽ mẹ này. Đẹp lắm đó nha!” – Gia Hân (6 tuổi) vừa nói vừa nheo mắt cười. Nhìn bức tranh con gái vẽ mình nguệch ngoạc trên tấm bìa carton mà Mỹ Giang (24 tuổi, quê Quảng Nam) thấy lòng vui lạ. Tiếng cười của hai mẹ con vang lên một góc xưởng may ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) nơi Giang đang làm công nhân.

Chơi được một lúc, đến giờ Hân phải rèn chữ vì sắp vào lớp 1. Vì về tới nhà cơm nước xong xuôi đã tối rồi nên hai mẹ con giao kèo với nhau khi vào chỗ mẹ làm việc, con cứ tập viết khoảng một tiếng sẽ được giải lao 30 phút, mẹ sẽ cho mượn điện thoại chơi khi nào viết hoàn thành hai trang giấy.

Bàn học của cô bé vốn là một trong những nơi ủi quần áo thành phẩm được cô chú đồng nghiệp của mẹ tân trang lại. Họ trải cho con bé tấm vải mới rồi đặt cạnh cửa sổ đón gió trời, thông thoáng nhất góc xưởng.

Ngồi đó nhìn ra ngoài cửa sổ, bé Hân thấy khoảnh đất rộng xanh ngắt cây cỏ. Có cả đàn trâu được thả ở đó trở thành chủ đề cho Hân tập vẽ. “Con thích vào đây” – Hân cười tít mắt.

Trước đó nửa tháng, Hân được mẹ gửi về Long An ở cùng bà nội. Nhưng nội lớn tuổi, quanh nhà lại chẳng có bạn chơi cùng nên mẹ Giang đành phải đón con lên và đưa đi làm cùng.

Điều khiến Hân thích nhất là mỗi trưa được ngủ trong phòng máy lạnh “mát hơn ở nhà nhiều”. “Con thích vào đây vì được ở gần mẹ, rồi mẹ chỉ con học. Vào đây còn được ăn ngon, con thích món cơm gà” – Gia Hân cười.

Rồi cô bé 6 tuổi kể về ước mơ làm nhà thiết kế thời trang. Mỗi lúc được giải lao, Hân chạy ù đến từng bàn may khoe với các cô đã hoàn thành bài tập mẹ giao, có khi lại khoe bức tranh vừa vẽ xong. Hầu như ai trong xưởng may cũng biết và quý con bé.

Chị Hồng Liên – nhân viên kỹ thuật may, đồng nghiệp của mẹ Gia Hân – nói đúng là xưởng may không là môi trường thích hợp cho con trẻ phát triển nhưng sự có mặt của Hân khiến ai nấy đều vui.

Đôi lần bận quá, cô Liên còn “thuê” Hân đi lấy giúp ly nước rồi trả công bằng một viên kẹo. “Con bé ngoan hiền, dễ thương lắm. Cùng là công nhân, hiểu rõ cảnh của nhau nên ai cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho hai mẹ con” – chị Liên chia sẻ.

Sẵn lòng chia sẻ, hỗ trợ

Chị Đào Mỹ Linh – giám đốc kinh doanh Công ty may mặc Dony – cho biết ngoài Gia Hân thường xuyên có mặt tại xưởng, sau 17h mỗi ngày còn có thêm nhiều bạn nhỏ khác là con công nhân xuất hiện ở đây. Thường sau 17h trẻ tan trường, bố mẹ sẽ đón con rồi đưa thẳng đến xưởng để tiếp tục tăng ca.

Đã quá quen với việc có trẻ con trong xưởng may, lãnh đạo công ty cũng chia sẻ bởi hiểu rõ thu nhập của công nhân, nắm khá rõ hoàn cảnh từng người nên cũng tạo điều kiện cho bố mẹ đưa con vào cùng chỗ làm trong thời gian này. Công ty còn chủ động dùng phòng tiếp khách làm khu vui chơi cho mấy đứa nhỏ.

“Khách phần lớn đều là quốc tế nên phòng này cũng ít khi dùng đến, lại nằm biệt lập và có máy lạnh nên để các bé vui chơi trong đó sẽ thoải mái hơn. Việc này cũng không phiền đến mọi người vì trẻ con mà, chơi đùa cũng sẽ làm ồn chứ” – chị Linh tâm sự.

Lần đầu đến trường

Mấy ngày cuối hè, có bạn đã quay lại trường, có bạn chưa nên vẫn theo mẹ vào xưởng. Chị Mỹ Giang khoe tranh thủ giờ nghỉ trưa đã chạy ù ra nhà sách gần đó. Lần đầu có con đi học, bà mẹ trẻ khá vụng về. Một phần cũng vì thiếu trước hụt sau, trong khi phải chuẩn bị sách vở, dụng cụ khá nhiều thứ.

“Phải chạy đi chạy lại ba lần mới mua tạm đủ. Lần đầu được đến trường nên hai mẹ con cùng háo hức. Hy vọng ở trường có cô cùng các bạn sẽ vui hơn ở nhà máy với mẹ” – Mỹ Giang cười.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *