Chỉ đủ tiền trả lương giáo viên 7 tháng
Giải thích về thiếu tiền trả lương cho giáo viên, tiến sĩ Đậu Thành Vinh, hiệu trưởng Trường phổ thông Thực hành Sư phạm Đồng Nai, cho biết: “Nhà trường hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính một phần.
Hiện nhà trường có 150 cán bộ, giáo viên, 78 lớp với trên 3.300 học sinh. Tuy nhiên từ năm 2019 đến nay, mỗi năm UBND tỉnh Đồng Nai cấp ngân sách 3,6 tỉ đồng nên không đảm bảo để trường hoạt động và chi trả lương. Mặt khác, lương cơ sở tăng lên mức 2,34 triệu đồng, kéo theo tăng phụ cấp, gây áp lực lên quỹ lương của trường”.
Theo ông Vinh, với ngân sách do tỉnh Đồng Nai cấp hằng năm, nhà trường hiện chỉ có thể chi trả tiền trả lương cho cán bộ, giáo viên 7 tháng thay vì 12 tháng. Chỉ tính riêng chi lương và bảo hiểm cho gần 150 cán bộ, giáo viên, mỗi tháng đã cần đến 1,2 tỉ đồng. Nhà trường cũng không thể đầu tư đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Xin tự chủ tài chính
Theo ông Vinh, trường đã kiến nghị điều chỉnh ngân sách cấp cho trường nhưng lý do được đưa ra là đề án tự chủ tài chính của nhà trường (giai đoạn 2021-2025) đã được phê duyệt nên không thay đổi được. Điều này khiến nhà trường tiếp tục khó khăn. Do thu không đủ chi nên nhà trường gần như không có tiền để đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động khác.
“Trường được giao cơ chế tự chủ tài chính một phần nhưng tất cả các nguồn thu tài chính, hiện chỉ đáp ứng được không quá 50% các nguồn chi cần thiết của trường. Cố gắng hết khả năng, nhà trường chỉ đủ tiền trả lương cho tập thể cán bộ, giáo viên trong 7 tháng là hết tiền”, ông Vinh nói.
Về thông tin có tình trạng lạm thu để cân đối tài chính cho trường, ông Vinh giải thích: “Trường thu theo mức thu đã trình trong phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2022-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó khoản thu phí xử lý rác theo thỏa thuận với đại diện cha mẹ học sinh đầu năm học. Riêng thu phí học các lớp chất lượng cao theo thỏa thuận đã ký theo nguyện vọng của từng phụ huynh”.
Trả lời Tuổi Trẻ Online về giải pháp nào tốt nhất vào lúc này để giáo viên an tâm giảng dạy, ông Vinh nói: “Giải pháp lâu dài cấp đủ kinh phí 30% lương tăng thêm cho 100 giáo viên hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp, vì nguồn thu sự nghiệp không đủ để trả lương cho 100 viên chức. Đồng thời nhà trường đề nghị các cơ quan nhà nước có chỉ đạo hướng dẫn tăng các khoản thu để trường cân đối thu – chi đảm bảo đủ kinh phí hoạt động”.
Ông Vinh cũng cho biết do có biến động về nguồn thu, chi nên trường đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Tài chính và Trường đại học Đồng Nai để xin được thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định của Chính phủ.
Gần 2.800 học sinh bán trú
Trường phổ thông Thực hành Sư phạm Đồng Nai chính thức tổ chức hoạt động dạy và học từ năm học 2015-2016. Ban đầu trường chỉ có 20 cán bộ, giáo viên, 10 lớp (gồm sáu lớp 6 đầu cấp trung học cơ sở và bốn lớp 10 đầu cấp trung học phổ thông).
Đến năm học 2019-2020, trường tiếp tục mở rộng tuyển sinh lớp 1 đầu cấp tiểu học và chính thức trở thành trường phổ thông có đủ 3 cấp học là tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đến nay, nhà trường có 2.776/3.338 học sinh bán trú.