Người mà các học viên phản ánh là Phạm Thanh Danh (học viên ngành kế toán khóa 12 năm 2023), đã được Trường đại học Văn Lang vinh danh là thủ khoa thạc sĩ tại lễ tốt nghiệp vừa qua.
Học thạc sĩ trong 10 tháng?
Theo các học viên, ngày 11-2-2023, hiệu trưởng Trường đại học Văn Lang ký quyết định về việc công nhận nhập học cho học viên trúng tuyển kỳ tuyển sinh thạc sĩ đợt 3, năm 2022.
Theo danh sách công nhận nhập học kèm theo quyết định trên, có tổng cộng 120 học viên, trong đó có tên học viên Phạm Thanh Danh (sinh năm 1985) ngành kế toán.
Đến ngày 5-12-2023, hiệu trưởng Trường đại học Văn Lang ký các quyết định về việc thành lập hội đồng đánh giá đề án thạc sĩ ngành kế toán – khóa 11 các học viên: Trần Thị Hương Nhi, Phạm Thanh Danh và Lê Nguyễn Quỳnh Như. Trong khi học viên Phạm Thanh Danh nhập học khóa 12 năm 2023.
Cũng trong ngày 5-12-2023, TS Nguyễn Quỳnh Mai – viện trưởng Viện Sau đại học Trường đại học Văn Lang – có thư mời về việc tham dự hội đồng bảo vệ đề án thạc sĩ ngành kế toán gửi các học viên.
Thời gian diễn ra hội đồng bảo vệ đề án lúc 12h30 ngày 15-12-2023.
Các đề án thạc sĩ được đánh giá gồm 6 học viên, trong đó có học viên Phạm Thanh Danh với đề tài “Các nhân tố ảnh hưởng chất lượng thông tin báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM”.
“Như vậy tổng thời gian đào tạo chưa đến 10 tháng, nhưng học viên Phạm Thanh Danh trong lễ tốt nghiệp công bố là thủ khoa thạc sĩ. Trong khi theo quy định của nhà trường và quy chế đào tạo thạc sĩ, thời gian đào tạo tối thiểu là 18 tháng”, nhóm học viên phản ánh.
Cũng theo các học viên, thông tin từ Viện Sau đại học Trường đại học Văn Lang lại có quyết định thành lập hội đánh giá đề án đổi thành ngày 25-5-2024 và ngày bảo vệ đổi thành ngày 1-6-2024 cho học viên Danh và các học viên khác, trong khi đó họ đã bảo vệ vào ngày 15-12-2023.
“Chúng tôi rất bức xúc về tình trạng trên, tại sao thời gian đào tạo chỉ có gần 10 tháng mà được vinh danh là thủ khoa như vậy?”, một học viên nói.
Học viên đã học trước một số học phần của chương trình đào tạo thạc sĩ
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về việc này, đại diện Trường đại học Văn Lang xác nhận học viên Phạm Thanh Danh có quyết định chính thức vào chương trình thạc sĩ ngành kế toán trường vào tháng 2-2023.
“Tuy nhiên, trước khi vào học chính thức hồi tháng 2-2023, học viên Danh đã đăng ký học trước một số học phần của chương trình đào tạo thạc sĩ ngành kế toán từ tháng 1-2022. Học viên này đã bảo vệ đề án tốt nghiệp thạc sĩ vào tháng 12-2023. Như vậy, tổng thời gian học của học viên Phạm Thanh Danh là 23 tháng”, vị này cho biết.
Giải thích thêm về lý do học viên này được học trước một số học phần của chương trình đào tạo thạc sĩ khi chưa trúng tuyển đầu vào, lãnh đạo Trường đại học Văn Lang cho hay: “Khoản 2, điều 4 thông tư 23/2021/TT-BGDĐT quy định về việc học trước chương trình đào tạo thạc sĩ.
Theo đó, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên), có học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và các điều kiện khác do cơ sở đào tạo quy định, có thể được đăng ký học trước một số học phần của chương trình đào tạo thạc sĩ tại cùng cơ sở đào tạo. Số tín chỉ được công nhận không vượt quá 15 tín chỉ”.
Thời gian đào tạo thạc sĩ bao lâu?
Về thời gian đào tạo thạc sĩ theo thông tư 23/2021/TT-BGDĐT quy định: Đối với mỗi hình thức đào tạo, cơ sở đào tạo cung cấp kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa cho từng chương trình đào tạo để định hướng cho học viên.
Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa phải phù hợp với thời gian quy định trong khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời bảo đảm đa số học viên hoàn thành chương trình đào tạo.
Theo quyết định 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ tiếp nhận người tốt nghiệp trình độ đại học, thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ tương đương 1 đến 2 năm học tập trung tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo.