(Bạn đọc N. T – *****[email protected])
– Luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt.
Trách nhiệm của UBND các cấp:
Chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác thải sinh hoạt) là chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt thường ngày.
UBND các cấp có trách nhiệm lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển.
Chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cộng đồng dân cư ở cơ sở để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuyển giao, tập kết chất thải rắn sinh hoạt đến điểm tập kết cho cơ sở thu gom, vận chuyển; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định.
Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân trong việc thu gom rác sinh hoạt:
Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm tập kết theo quy định hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các loại chất thải theo quy định; tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân và chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt:
Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định.
Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt và công bố rộng rãi.
Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện theo tuyến đường, thời gian theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Theo quy định tại khoản 11 điều 3 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Xử phạt vi phạm hành chính:
Theo thông tin chị cho biết, đơn vị thu gom rác một tuần mới lấy rác một lần khiến cả khu phố bốc mùi kinh khủng. Hành vi này là vi phạm pháp luật trong việc thu gom chất thải trong phạm vi quản lý với mức xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 5 điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Trình báo cơ quan có thẩm quyền:
Để ngăn chặn hành vi không thu gom chất thải trong phạm vi quản lý theo quy định, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh, chị cần làm đơn yêu cầu thu gom rác theo đúng thời gian, tần suất quy định và gửi đến đơn vị thu gom rác để được khắc phục, trả lại môi trường sống trong sạch cho khu dân cư.
Trong trường hợp đơn vị thu gom rác vẫn không có biện pháp khắc phục thì chị cần làm đơn trình báo sự việc gửi đến UBND cấp phường, xã, thị trấn nơi xảy ra sự việc kèm theo các chứng cứ, tài liệu thu thập được.
Chủ tịch UBND có thẩm quyền xử phạt hành chính hành vi vi phạm như: Phạt cảnh cáo, phạt tiền, buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khôi phục lại trạng thái, tình trạng môi trường lúc ban đầu (theo quy định tại điều 56 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP).
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân – gia đình, kinh doanh – thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế…, chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].