7 tháng, Việt Nam thu hút hơn 18 tỉ USD vốn FDI
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-7, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào nước ta đạt hơn 18 tỉ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,65 tỉ USD – chiếm 70,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,87 tỉ USD.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Đã có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng. Theo đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,52 tỉ USD, chiếm gần 36,2% tổng vốn đầu tư, tăng 79,1% so với cùng kỳ 2023. Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ hai, tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 48 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 7 tháng năm 2024. Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,2 tỉ USD, chiếm gần 17,8% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Tiếp theo là Quảng Ninh, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng…
Nữ ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, TP.HCM được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn
Chính phủ đã ban hành nghị định 99/2024 sửa đổi, bổ sung điểm p, khoản 1, điều 2 nghị định 83/2022 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Theo quy định tại điểm p, khoản 1, điều 2 nghị định 83/2022, áp dụng quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn với cán bộ, công chức nữ giữ chức vụ ủy viên Ban Thường vụ kiêm trưởng các Ban Đảng của Thành ủy TP Hà Nội và TP.HCM.
Điều này được sửa đổi, bổ sung tại nghị định 99/2024 là cán bộ, công chức nữ giữ chức vụ ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP Hà Nội và TP.HCM.
Nghị định 99 có hiệu lực từ ngày 26-7-2024.
Học sinh lớp 1 đến lớp 3 ở TP.HCM có tỉ lệ sâu răng cao
Ngày 29-7, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có văn bản gửi Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế TP Thủ Đức về việc can thiệp các vấn đề sức khỏe răng miệng cho học sinh các trường tiểu học.
Trước đó Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp triển khai thí điểm các mô hình chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh đang học tại 7 trường tiểu học thuộc quận 1, 5, 6 và huyện Cần Giờ.
Qua đợt khám, kiểm tra sức khỏe răng miệng đợt 1, TP.HCM đã điều trị dự phòng cho 6.719/7.571 học sinh, phát hiện 4.253 học sinh bị sâu răng (63,3%), 3.040 học sinh viêm nướu (45,2%), 64 học sinh có răng nhiễm fluor (0,95%), 60 học sinh bị mất răng (0,89%)…
Ngoài kết quả khảo sát trong chương trình thí điểm cho thấy ở các khối lớp càng nhỏ có tỉ lệ sâu răng cao hơn so với những khối lớp lớn (tỉ lệ học sinh lớp 1 đến lớp 3 khoảng 67-69%, tỉ lệ sâu răng của học sinh lớp 4, lớp 5 là 61% và 53%).
Sở Y tế đề nghị các đơn vị hướng dẫn 22 Trung tâm Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức xây dựng kế hoạch triển khai chăm sóc sức khỏe răng miệng học sinh trên địa bàn năm 2025.
Cán bộ y tế học kỹ thuật truyền dịch an toàn
Ngày 29-7 tại Hà Nội, Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam (VNA) đã tổ chức khóa đào tạo giảng viên về liệu pháp truyền tĩnh mạch an toàn.
Ông Phạm Đức Mục, chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam, cho biết liệu pháp truyền dịch tĩnh mạch (còn gọi là truyền dịch) là kỹ thuật phổ biến nhất trong y tế và đã được áp dụng gần một thế kỷ.
Tuy nhiên, trước đây do điều dưỡng chưa được đào tạo đầy đủ và hạn chế về nhân lực, dụng cụ dẫn đến kỹ thuật này chưa được quản lý và thực hành tốt nhất. Không ít sự cố y khoa xảy ra liên quan đến liệu pháp truyền tĩnh mạch đối với cả người bệnh và nhân viên y tế.
Ông Vương Ánh Dương, phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cũng cho hay tiêm truyền là kỹ thuật đơn giản và dễ bị bỏ qua.
“Có 67 kỹ thuật liên quan tiêm truyền. Việc tiêm truyền rất thông dụng và phổ biến trong cơ sở y tế khiến nhiều người bỏ qua các vấn đề an toàn.
Để đảm bảo truyền an toàn trong bệnh viện và cấp cứu ngoài cộng đồng cần tuân thủ các quy định và kỹ thuật truyền tĩnh mạch an toàn. Mỗi bệnh nhân cần được cá thể hóa việc tiêm truyền và theo dõi, chăm sóc để đảm bảo an toàn người bệnh và nhân viên y tế”, ông Dương nói.
TP.HCM quản lý 60km đường thủy nội địa
Theo Trung tâm Quản lý đường thủy TP.HCM, thời gian tới TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện quản lý số trên 60km tuyến đường thủy nội địa được trung ương phân cấp. Đơn vị thực hiện là Công ty CP tư vấn Thiết kế cảng – Kỹ thuật biển (Portcoast), vốn đầu tư hơn 11 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Trước đó, các đơn vị đã hoàn thành mô hình số hóa hiện trạng toàn bộ 82 tuyến đường thủy của TP.HCM với tổng chiều dài hơn 522,8km bằng công nghệ cao BIM – GIS.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy TP.HCM – cho biết việc ứng dụng công nghệ này thực hiện khảo sát kiểm tra trên các luồng tuyến với độ chính xác cao, chi phí ban đầu giảm. Đồng thời ứng dụng xác định được tim luồng, đường chỉ giới bờ sông sẽ giám sát được việc lấn chiếm đường thủy.
“Ứng dụng công nghệ BIM sẽ kiểm soát được phát sinh trong khu vực trên mặt sông hoặc từ bờ vào trong đất liền theo hành lang. Với những ứng dụng đó, bằng công nghệ số chúng ta sẽ làm tốt chuẩn bị để thực hiện tiếp những ứng dụng công trình tiếp theo. Ngoài ra, đối với chủ tàu, thuyền trưởng có thể tham khảo thông tin dữ liệu trên để kiểm soát độ an toàn khi di chuyển”, ông Tuấn nói.