“Có một sự thật là đến tận bây giờ tôi chưa đọc hết một cuốn sách nào, bởi vì tôi là một người thực tế. Tôi thích trau dồi kiến thức của mình thông qua hình ảnh và âm thanh…”, Hoa hậu Việt Nam 2014 Kỳ Duyên nói về việc đọc sách.
Bên cạnh ý kiến chỉ trích phần trả lời, đồng thời đưa ra những lợi ích của việc đọc sách, cũng có những ý kiến cho rằng nên nhìn nhận đúng về cách tiếp thu kiến thức, sách chỉ là một phần.
Đọc sách hay không đọc tùy quan điểm mỗi người
Nhiều bình luận bày tỏ rằng phần trả lời không đọc hết cuốn sách nào từ phía Kỳ Duyên đã thể hiện khả năng ứng xử chưa tốt và gây thất vọng cho người xem.
Tài khoản Quang Ninh cho rằng “Sách là kiến thức đúc kết từ thực tiễn mà ra, là kho tàng bao nhiêu năm”.
Tài khoản Văn Khoa bình luận rằng Kỳ Duyên bị “ném đá” không phải vì việc thừa nhận chưa đọc trọn vẹn một cuốn sách nào. Lý do là cô tự nhận mình là người thực tế nên không đọc sách, mà chọn các hình thức khác.
“Cô nói vậy thì khác nào bảo người đọc sách là thiếu thực tế hay viển vông. Không thích hoặc không có thời gian đọc sách thì cứ nhận. Chứ phát ngôn thế thì bị ăn chửi là đúng”, người này chia sẻ.
Tương tự, bạn Teresa Chan ngạc nhiên: “Đồng ý là phải thực hành mới giỏi, nhưng sách chứa nhiều kiến thức, trau chuốt câu từ, mở rộng vốn từ và tư duy cho bản thân”.
Gay gắt hơn, tài khoản Hung Nguyen viết rằng làm hoa hậu thì phải ý thức được việc mình là đại diện hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Các bạn trẻ hâm mộ rất nhiều.
“Mình làm vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thế hệ trẻ. Chính vì không đọc sách nên mới có hành động thiếu ý thức thế đó. Bản thân là hoa hậu thì phải biết phát ngôn của mình sai hay đúng. Mình nói thế có ảnh hưởng gì đến người khác”, Hung bày tỏ.
Bạn này cũng đưa ra góc nhìn: “Ví dụ có thể nói rằng mình thấy việc đọc sách rất ý nghĩa. Và nếu các bạn có thời gian nên đọc nhiều sách để thêm kiến thức. Nhưng bản thân mình rất bận nên không đọc sách, mà chủ yếu học từ thực tế ngoài đời.
Cũng là cách nói chuyện, nói sao cho vừa lòng người khác chứ không phải nói để người ta chửi”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng do chương trình câu view, sắp đặt trả lời như vậy. Sau đó, thí sinh vào vòng nguy hiểm lại “nhai micro rột rột” (trả lời trôi chảy) với câu hỏi khó.
Có phải bạn trẻ lười đọc sách?
Trong những bình luận, dòng trạng thái bày tỏ quan điểm, có nhiều bạn trẻ tỏ ra đồng cảm và cho rằng chuyện đọc sách không quá quan trọng.
Tài khoản Toli Hoang thẳng thừng: “Những người mắc bệnh hư danh cả đời chưa chắc cầm cuốn sách, chứ chưa nói đến việc đọc hết! Ngày nay Internet cho ta bất kỳ kiến thức của bất kỳ ngành nào, bằng bất kỳ ngôn ngữ nào”.
Trên một diễn đàn gần 140.000 người theo dõi, quản trị viên chia sẻ rằng tùy quan điểm của từng người. Đọc sách là tốt nhưng nếu tích lũy kiến thức ở nhiều nguồn khác cũng được.
Tài khoản Nguyễn Khang đồng tình: “Đọc sách nhiều do sở thích mỗi người thôi. Chứ lo kiếm tiền cái đã. Có tiền, có sự nghiệp rồi thư thả đi trà chiều thưởng thức sách”.
Bạn Út Lan cho biết bản thân 30 tuổi chưa đọc hết cuốn sách nào. Kenny La kể rằng mình cũng vậy. Bộ sách mà từ nhỏ đến lớn bạn này đọc hết là Doraemon, Conan.
Tương tự, bạn Tín Thái viết: “Tôi thích đọc truyện tranh và thật sự học được nhiều câu chuyện hay từ đó. Nhân cách tôi hiện tại cũng hình thành từ gần 40% từ những bộ truyện hay”.
Có bạn chia sẻ rằng đọc sách chỉ đọc phần đầu và cuối, còn giữa thì bỏ. Đồng ý, bạn Sumi Ka cho rằng không đọc hết cuốn sách là bình thường. “Mình đọc truyện hay tiểu thuyết nếu dài quá, nhiều tập quá, mình sẽ đọc mở đầu và cái kết luôn cho nhanh”.
Bạn Lona Keng cho rằng có những người không thích đọc sách, mà học qua âm thanh và hình ảnh vẫn ổn. Và kiến thức có thể thu thập được từ nhiều phía.
“Đâu cứ phải đọc sách mới thành công. Có nhiều phương pháp học đó là nghe, đọc và nhìn. Có những người họ thiên về nghe nhìn. Có người thiên về đọc. Mỗi người một khả năng khác nhau. Không ai giống ai”.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm một người Việt Nam đọc 4 cuốn sách, trong đó có 2,8 cuốn là sách giáo khoa. Con số này có tăng so với những năm trước nhưng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong danh sách 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới có Ấn Độ, Israel, Nhật Bản… Khu vực Đông Nam Á gọi tên Singapore, Malaysia và Indonesia.
Theo một báo cáo khác của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), tỉ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc là 44% và chỉ có 30% người Việt Nam đọc thường xuyên.