Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội ngày 15-1.
Diễn đàn có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình.
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi “Chúng ta hãy cùng nhau biến diễn đàn năm nay thành một “Quốc lễ công nghệ số” đầy cảm hứng, mở ra những cơ hội mới, những hướng đi đột phá cho các trí thức, các nhà khoa học, đặc biệt là cộng đồng công nghệ số Việt Nam.
Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là “ngộ nhận”, là “tự huyễn hoặc”, là “tự ru mình” không?”
Ghi nhận những kết quả của lĩnh vực công nghệ nói chung và công nghệ số nói riêng, cũng như những thành tựu mà các doanh nghiệp số Việt Nam đã đạt được, nhưng Tổng Bí thư cũng đánh giá: “Với tất cả sự thẳng thắn, cầu thị và lắng nghe, chúng ta thấy vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số quốc gia”.
“Một trong những điểm yếu lớn là năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), hiện vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài, hạn chế khả năng tự chủ công nghệ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, khả năng thu hút nhân tài công nghệ cao chưa đủ mạnh, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lực chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp.
Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn thấp, chỉ tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu” – Tổng Bí thư nêu rõ và dẫn chứng cụ thể: “Tôi được báo cáo là Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ sáu thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ bảy thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ tám thế giới về thiết bị linh kiện điện tử.
Đây là những con số có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào, nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu % giá trị trong đó?
Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài. Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường? Số liệu tôi nêu trên được trích dẫn từ báo cáo của các lãnh đạo về thành tích của ngành mình. Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là “ngộ nhận”, là “tự huyễn hoặc”, là “tự ru mình” không?”.
“Nhân đây tôi muốn nói thêm ngành điện tử, sản xuất điện thoại và linh kiện, khu vực FDI xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện nhưng nhập đến 89% giá trị linh kiện này. Samsung đầu tư vào Việt Nam từ 2008 đến nay, tại Thái Nguyên có 60 doanh nghiệp đối tác cấp I cung ứng cho Samsung thì tới 55 doanh nghiệp nước ngoài.
Tại Bắc Ninh có 176 đối tác cấp I thì có tới 164 doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải…
Tôi muốn nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật rằng doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế để cố gắng” – Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ ra.
Đừng để là bãi rác về công nghệ của thế giới
Tổng Bí thư yêu cầu: “Trong thực tế, sự đóng góp của khu vực FDI đối với việc nâng cao tiến bộ khoa học nội địa còn thấp. Trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình; 14% sử dụng công nghệ lạc hậu, khoảng 5% sử dụng công nghệ cao. Sắp tới đây chúng ta phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn. Đừng để Việt Nam trở thành cứ điểm “lắp ráp – gia công”, là bãi rác về công nghệ của thế giới, trong khi doanh nghiệp trong nước không học hỏi được gì”.
Theo Tổng Bí thư, việc phát triển công nghệ số vẫn còn diễn ra không đồng đều giữa các vùng, miền, một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng và triển khai công nghệ, tạo ra khoảng cách lớn trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số.
Hạ tầng số cũng là một thách thức lớn, khi nhiều khu vực vẫn chưa được đầu tư đầy đủ vào công nghệ hiện đại, ảnh hưởng đến khả năng kết nối toàn quốc và sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp công nghệ số. Đây là những vấn đề cần được giải quyết một cách đồng bộ để Việt Nam có thể tận dụng tốt tiềm năng của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số.
Nhấn mạnh nghị quyết số 57, được ví như với “khoán 10” trong nông nghiệp, Tổng Bí thư yêu cầu “muốn nhận được các báo cáo là trí tuệ Việt Nam, công nghệ số Việt Nam đóng góp bao nhiêu phần trăm đối với các sản phẩm của ngành công nghệ số, đóng góp bao nhiêu phần trăm để giúp các sản phẩm đó thông minh hơn, hiệu năng hơn, thẩm mỹ hơn, được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn, những cái tên Việt Nam nào được vinh danh trong các phát minh, sáng kiến”.
Nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi
Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành và doanh nghiệp công nghệ số của đất nước trong giai đoạn tới. Cụ thể như sau:
Thứ nhất là phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, đây là căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Chúng ta phải đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), chuỗi khối (Blockchain), công nghệ nano và thông tin di động 5G, 6G… công nghệ vũ trụ, không gian…
Tập trung vào việc làm chủ và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới để tạo ra sự tự chủ về công nghệ và từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ hai là tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ số: Hạ tầng số sẽ đóng vai trò cốt lõi trong việc thúc đẩy sự phát triển công nghiệp công nghệ số. Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, có dung lượng lớn, băng thông rộng, đồng bộ và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối toàn quốc và phát triển kinh tế số.
Thứ ba là khơi nguồn nhân tài và thu hút chuyên gia công nghệ cao: Cần tăng cường chính sách thu hút nhân tài công nghệ cao, xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực nội địa và tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu quốc tế.
Thứ tư là xây dựng hệ sinh thái công nghệ số bền vững: Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái công nghệ số với sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức hỗ trợ. Thúc đẩy sáng kiến hợp tác công-tư, thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư và các tổ chức quốc tế để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghệ số đa dạng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Thứ năm là phát triển kinh tế số và xã hội số: Từng bước hình thành và phát triển các lĩnh vực kinh tế số như Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số phát triển các giải pháp công nghệ ứng dụng vào quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy giao dịch điện tử và tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ thông tin cho người dân.
Thứ sáu là nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh toàn cầu: Chúng ta cần phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới. Đến năm 2030, đưa Việt Nam vào top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đồng thời tạo ra ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Tôi đề nghị mỗi doanh nghiệp công nghệ số của chúng ta phải tự đặt ra cho mình mục tiêu phát triển cao, đầy khát vọng và không ngừng nâng cao chất lượng nhân lực cả về số lượng và chất lượng.
Thứ bảy là thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế: Chúng ta phải biết cách “đứng trên vai của những người khổng lồ”, muốn vậy phải tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, thu hút thêm các tổ chức nghiên cứu và sản xuất công nghệ số vào Việt Nam. Đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đưa các sản phẩm công nghệ số của mình ra thị trường quốc tế.
Theo Tổng Bí thư, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần có sự đồng lòng, quyết tâm, và khát vọng mạnh mẽ hơn nữa.
“Chúng ta cần nhìn thấy đây không chỉ là cơ hội mà là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp trong việc góp phần hiện thực hóa những mục tiêu lớn lao mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra trong nghị quyết số 57. Hãy biến khát vọng dẫn đầu thành hành động cụ thể”, Tổng Bí thư nói và cho rằng mỗi doanh nghiệp công nghệ số cần dấn thân vào những lĩnh vực công nghệ tiên phong, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, chủ động tiếp cận công nghệ mới và không ngừng đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp số cần tập trung xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá, tạo ra giá trị thực sự phục vụ lợi ích của người dân và của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
“Hãy hợp tác và liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để cùng tạo nên một hệ sinh thái công nghệ bền vững. Đây là thời cơ vàng để chúng ta thực sự khẳng định năng lực cạnh tranh của mình trên trường quốc tế, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghiệp công nghệ số hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Hãy không ngừng vượt qua giới hạn của bản thân, vượt qua những thách thức và cùng nhau biến những khó khăn thành động lực để vươn xa. Chúng ta có những điều kiện thuận lợi, nguồn lực sẵn có và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý và bạn bè quốc tế, sự ủng hộ của nhân dân” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
“Đây là thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đoàn kết, chung sức xây dựng một tương lai vững bền cho ngành công nghệ số nước nhà. Đây không chỉ là sứ mệnh cao cả, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định mình, đưa các sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” vươn xa. Hãy tận dụng thế mạnh về trí tuệ, nguồn nhân lực, và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cùng hào khí Việt Nam để góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới” – Tổng Bí thư khẳng định.