Trưa 10-8, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần thứ 31 (từ ngày 29-7 đến ngày 4-8), tại TP.HCM đã ghi nhận 60 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 9 ca được xác định mắc bệnh sởi trong phòng thí nghiệm (dương tính ELISA IgM).
Số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến tuần 31 là 284 ca, trong đó có 116 ca được xác định trong phòng thí nghiệm.
Trong tuần 31, TP.HCM cũng ghi nhận 254 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, cao hơn 21% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 31 là 5.136 ca.
Các quận huyện có số ca mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, thành phố Thủ Đức và quận 7.
Cũng trong tuần này, TP ghi nhận 351 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, thấp hơn 18,7% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 31 là 9.475 ca.
Các quận huyện có số ca mắc tay chân miệng trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và quận 8.
Hiện bệnh tay chân miệng và bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng ngừa, còn bệnh sởi đã có vắc xin phòng ngừa.
TP.HCM sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi?
Bác sĩ Lê Hồng Nga, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết: “Trước nguy cơ bùng phát dịch sởi tại TP.HCM, ngành y tế TP đã tham mưu UBND TP tổ chức một chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi không kể tiền sử tiêm chủng cho những trẻ từ 1 – 5 tuổi tại TP. Đây là nhóm tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất trong các bệnh nhân sởi”.
HCDC khuyến cáo các bậc phụ huynh đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ hai mũi sởi theo lịch tiêm chủng để tạo miễn dịch cho trẻ. Cụ thể, tiêm mũi 1 khi trẻ đủ 9 tháng tuổi (vắc xin sởi) và tiêm mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi (vắc xin sởi – rubella).
Còn với những trẻ chưa được tiêm phòng hoặc trễ lịch tiêm theo hẹn, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng đầy đủ cho trẻ. Các bậc phụ huynh hãy liên hệ với trạm y tế nơi trẻ đang cư trú để biết lịch tiêm phòng vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng.