Ngày 9-8, Sở Y tế TP.HCM cho biết để giải quyết vấn đề khó khăn trong việc nhập khẩu các thuốc hiếm, thuốc dùng trong trường hợp khẩn cấp, Chính phủ đã ban hành nghị định số 84/2024/NĐ-CP về việc thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP.
Đối với lĩnh vực dược, TP có thẩm quyền quyết định cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế.
Theo đó, TP được cấp phép nhập khẩu đối với các thuốc chưa có giấy phép lưu hành tại Việt Nam, chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị và thuộc một trong các trường hợp: thuốc sử dụng cho mục đích cấp cứu, chống độc, chống thải ghép; thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm; thuốc có trong hướng dẫn phòng và xử trí sốc phản vệ.
Ngoài ra, còn có thuốc được sử dụng cho người bệnh đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để chẩn đoán, dự phòng hoặc điều trị đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A, bệnh ung thư, HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét và các bệnh hiểm nghèo khác.
Trong 4 nhóm nêu trên, hầu hết các bệnh viện cho biết thực tiễn thiếu thuốc thường rơi vào nhóm danh mục thuốc hiếm và thuốc sử dụng cấp cứu, chống độc.
Trước đây, việc cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của các nhóm nêu trên thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.
Các công ty dược có chức năng nhập khẩu thường lấy nhu cầu tổng hợp từ nhiều địa phương nên cần nhiều thời gian, thực tế thời gian chờ nhập khẩu thường phải mất vài tháng.
Sở Y tế nhấn mạnh việc phân cấp này sẽ giúp rút ngắn thời gian tổng hợp nhu cầu thuốc của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn và thời gian chuẩn bị hồ sơ của cơ sở nhập khẩu.
Ngoài ra, TP sẽ chủ động theo dõi sát tình hình cung ứng thuốc và mô hình bệnh tật để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu thuốc kịp thời; theo dõi tiến độ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với hồ sơ cấp phép nhập khẩu thuốc để nhanh chóng giải quyết nhu cầu thuốc điều trị cho cơ sở.
Sở Y tế đang khẩn trương xây dựng quy trình cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của TP.
Sở Y tế cho biết thêm nhiều trường hợp cấp cứu không thể chờ thực hiện thủ tục nhập khẩu thuốc, thay vào đó rất cần hệ thống y tế phải sẵn sàng cơ số thuốc cấp cứu dự trữ sẵn có (như thuốc điều trị ngộ độc, thuốc cấp cứu, các huyết thanh kháng nọc rắn…).
Trong khi chờ Bộ Y tế thành lập các trung tâm dự trữ thuốc quốc gia, Sở Y tế sẽ tham mưu UBND TP trình HĐND TP về triển khai thí điểm dự trữ cơ số các nhóm thuốc cấp cứu, thuốc hiếm cho nhu cầu cấp bách để có thể điều tiết sử dụng ngay khi phát sinh ca bệnh cần điều trị.
Thiếu thuốc hiếm, thuốc giải độc kéo dài triền miên
Vấn đề thiếu thuốc hiếm, thuốc giải độc đã kéo dài từ nhiều năm qua, nhiều bệnh nhân vì không có thuốc giải kịp thời đã qua thời gian vàng điều trị.
Nguồn cung ứng các thuốc này rất hạn chế do ít công ty sản xuất, nhập khẩu và phân phối, giá trị tiền thuốc cao, nhu cầu sử dụng không thường xuyên.
Trong khi đó, người bị ngộ độc botulinum, rắn độc cắn… phải có thuốc hiếm, nếu không tỉ lệ tử vong rất cao.
Điển hình, tháng 5-2023 vụ việc 6 người ở TP Thủ Đức (TP.HCM) bị ngộ độc botulinum do ăn giò lụa bán dạo nhưng không có thuốc giải độc.
Dù được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ 6 lọ thuốc hiếm giải độc botulinum và vận chuyển khẩn cấp về Việt Nam, song đã có bệnh nhân không chờ được thuốc vì đã bỏ qua “thời gian vàng”.
Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Dự kiến có 3-6 trung tâm trên cả nước.