TP.HCM yêu cầu xử lý sai phạm về thu chi của ban đại diện cha mẹ học sinh

Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM giám sát bữa ăn bán trú của học sinh – Ảnh: H.HG.

Xử lý nghiêm hiệu trưởng

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu xử lý sai phạm về thu chi của ban đại diện cha mẹ học sinh ở một số trường như sau:

Lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo và hiệu trưởng các trường (bị dư luận và báo chí phản ảnh) tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và người đứng đầu đơn vị. Mục đích là để phân tích, xác định trách nhiệm sai phạm cụ thể trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. 

Cần có biện pháp kỷ luật phù hợp, kịp thời (nếu có) đối với những trường hợp xác định sai phạm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm. Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị thông tin kết quả xử lý sai phạm về cho sở trước ngày 31-10-2024.

Bên cạnh đó, sở cũng yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp với phòng tài chính – kế hoạch tham mưu với UBND quận, huyện ban hành hướng dẫn thu, chi năm học 2024-2025 (theo phân cấp); Thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp. 

Trên cơ sở đó, cần kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định. Sở cũng đề nghị UBND quận, huyện phải có hình thức xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng các cơ sở giáo dục thực hiện thu, chi không đúng quy định.

Cần định hướng cho ban đại diện cha mẹ học sinh

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 23-10, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết đầu năm học 2024 – 2025, sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn về thu chi. Ngoài ra còn có công văn về tăng cường công tác quản lý các khoản thu; Vận động tài trợ cho giáo dục và kinh phí hoạt động ban đại diện cha mẹ học sinh…

“Tuy nhiên, vẫn còn vài trường hợp cá biệt tại một số ít đơn vị trường học, cá nhân lãnh đạo và giáo viên vẫn chưa hiểu rõ và chưa thực hiện đúng việc tổ chức vận động các khoản thu, chi từ các nguồn tài trợ…

Điều này dẫn đến việc thực hiện không đúng quy định tại thông tư số 16/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân) và thông tư số 55/2011 ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh” – vị này nói.

Vị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM nhấn mạnh: “Chính việc nhập nhằng giữa việc vận động kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh và việc vận động tài trợ cho giáo dục đã gây dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành và các đơn vị, đồng thời gây hiểu lầm cho phụ huynh học sinh.

Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh đã quy định rõ: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện;

Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh như: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; 

Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; 

Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Như vậy, nếu lấy kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh để chi cho những hoạt động trên là sai phạm. Cái chính ở đây chính là vai trò của hiệu trưởng. 

Hơn ai hết, hiệu trưởng phải là người nắm rõ các văn bản về thu chi và cần định hướng cho ban đại diện cha mẹ học sinh. Nếu có sai phạm về thu chi của ban đại diện cha mẹ học sinh thì hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm liên đới”.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *