Trại hè PiMA này dành riêng cho học sinh THPT. Chương trình diễn ra trong hơn một tuần tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Chương trình đài thọ toàn bộ chi phí cho người tham dự và thu hút học sinh từ khắp cả nước đăng ký.
Khởi đầu từ tiền học bổng
Năm 2016, PiMA khởi đầu bằng ý tưởng của cựu huy chương vàng IMO Cấn Trần Thành Trung (29 tuổi). Sau khi giành vàng tại IMO, Trung nhận học bổng toàn phần tại ĐH Duke (Mỹ) và dành một phần tiền trong học bổng hằng năm để bắt đầu thực hiện trại hè PiMA. Ngay từ năm đầu, học sinh cả nước có đam mê toán đều có thể đăng ký tham gia và nhận được học bổng tham dự PiMA.
Sau hai năm, nhóm tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ và được hưởng ứng. Nhiều thầy cô từ Trường ĐH Khoa học tự nhiên, các mạnh thường quân tâm huyết với toán học Việt Nam, phụ huynh có con từng tham gia PiMA đều đóng góp cho chương trình.
“Năm nay, có cả các cựu trại sinh đã đi làm quay trở lại đóng góp cho PiMA” – TS Cấn Trần Thành Trung – hiện đã trở về nước làm giảng viên tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – chia sẻ.
Trần Hoàng Bảo Linh – cựu huy chương bạc IMO 2012, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Yale (Mỹ), đồng sáng lập PiMA – chia sẻ tại Việt Nam học sinh luôn được đánh giá có tiềm năng về toán nhưng chương trình học các bạn tiếp cận còn nhiều lý thuyết và khô khan. Ngược lại, nếu được mở rộng tiếp xúc với những mô hình toán học cập nhật, các bạn sẽ mở mang hiểu biết và tầm nhìn về toán, từ đó định hình hướng đi của mình từ sớm.
Theo anh Bảo Linh, cái khó để duy trì một trại hè như PiMA không phải nằm ở kinh phí mà làm sao để cựu trại sinh có thể tham gia nâng đỡ thế hệ tiếp theo. Muốn vậy, mỗi thế hệ đi trước sẽ phải truyền được cảm hứng và tạo cơ hội cho các bạn tổ chức ngay trong những năm tiếp theo.
Chẳng hạn tại PiMA 2024, Trần Phan Anh Danh – hiện là sinh viên ĐH Kỹ thuật Nanyang (Singapore), cựu học sinh giỏi quốc gia vật lý năm 2022 – sẵn sàng về nước truyền động lực cho đàn em. Năm 2021, Anh Danh từng tham gia PiMA bằng hình thức trực tuyến vì dịch COVID-19. Dù vậy, các bài giảng từ những anh chị cựu thí sinh IMO năm đó khơi được nhiệt huyết lớn về toán cho Anh Danh. Nhiều buổi chia sẻ online say sưa đến nửa đêm.
“Ngoài toán học, các bạn trại sinh còn được tìm hiểu trước về môi trường đại học để có những lộ trình học tập phù hợp cho mình. Năm nay, các bạn hỏi mình nhiều về chuyện học đại học tại Singapore, khác nhau giữa học tại Singapore và học tại Việt Nam, các ngành học liên quan đến toán tại Singapore… Mình muốn tiếp lửa cho các bạn như cách mình đã từng được tiếp lửa trước đây”, Anh Danh nói.
Được tiếp xúc với nghiên cứu sinh, nghe những người đang ứng dụng toán học, những giáo sư hàng đầu… sẽ cho các bạn nhiều góc nhìn khác nhau về toán so với bậc phổ thông.
Trần Hoàng Bảo Linh (cựu huy chương bạc IMO 2012, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Yale – Mỹ)
Những kiến thức toán mới mẻ
Nguyễn Hoàng Khang – thủ khoa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2023, chuẩn bị học cao học tại ĐH California, Los Angeles – chia sẻ mỗi năm trại hè sẽ lựa chọn một chủ đề thú vị. Những học sinh tham gia có thể tìm hiểu những góc nhìn mới mẻ về toán, khác biệt với những bài toán các em được học ở bậc THPT. Chủ đề năm nay về quy hoạch tuyến tính – một phần trong mô hình lớn hơn là toán tối ưu.
“Các nghiên cứu mô hình toán học này vẫn còn được nghiên cứu đến những năm 2.000. Vì vậy, các bạn học sinh sẽ được tiếp cận những kiến thức rất mới. Các kiến thức lại rất thực tế, được dùng để giải quyết những bài toán về tối ưu hóa hiệu suất, chi phí trong sản xuất, vận chuyển… nên các bạn sẽ thấy toán học không hề tẻ nhạt” – Nguyễn Hoàng Khang nói.
Theo Hoàng Khang, các kiến thức ở bậc đại học sẽ được trình bày dễ hiểu với học sinh phổ thông. Mỗi trại hè thường được chia làm hai giai đoạn. Trước hết các bạn học những kiến thức lý thuyết, sau đó từ những kiến thức này áp dụng vào những dự án thực tiễn.
Năm nay, kiến thức về quy hoạch tuyến tính được các bạn dùng vào nhiều dự án như xác suất các trò chơi, tối ưu tài chính, đầu tư cổ phiếu… Xen giữa hai giai đoạn là các chuyến trải nghiệm đến những đơn vị đang nghiên cứu ứng dụng về toán tại TP.HCM.
Cảm hứng để theo đuổi ngành toán
Năm 2024, PiMA được tổ chức từ ngày 21-7 đến 28-7, thu hút học sinh từ gần 20 tỉnh thành trên cả nước tham dự. Với nhiều học sinh, đây là lần đầu tiên được đến một thành phố lớn và được trải nghiệm những hoạt động bên trong một trường đại học.
Trần Lê Diễm Quỳnh – học sinh lớp 11 tại Trường THPT thị xã Quảng Trị, học sinh tham dự PiMA 2024 – tâm sự bạn có yêu thích học toán từ nhỏ và muốn học chuyên ngành về toán ở bậc đại học, nhưng không biết có phù hợp hay không.
Một tuần tham gia trại hè giúp Quỳnh cởi bỏ được nhiều nỗi sợ vô hình và thấy mình hoàn toàn có thể hiểu được những kiến thức toán mới ở bậc đại học. “Những bài giảng của các thầy về AI, khoa học dữ liệu gợi ý cho mình những hướng ứng dụng về toán xa hơn sau này”, Quỳnh nói.
Còn Phạm Quốc Bình – cựu học sinh Trường THPT Thống Nhất (Đồng Nai), đăng ký xét tuyển vào ngành toán tin trong kỳ tuyển sinh năm 2024 – cho biết chuyến đi trại hè này đánh dấu bước chuyển của bạn từ bậc phổ thông sang đại học. Việc được gặp bạn bè, anh chị có cùng đam mê về toán cho bạn nhiều cảm hứng theo đuổi ngành học này.