Như Tuổi Trẻ Online thông tin, mới đây một video đăng tải trên một diễn đàn có 1,9 triệu người theo dõi ghi nội dung: “Đó không phải thói quen nữa, mà là nét văn hóa ở đây rồi. Qua đường được nhường là trả nhau cái vẫy tay, cái cúi đầu. Sự tích cực này xứng đáng được lan tỏa”.
Bạn đọc tài khoản Lan viết: “Mong những câu chuyện như vậy trở thành phổ biến trong xã hội, trở thành những bài học của môn giáo dục công dân ở các trường”.
Sau đây là chia sẻ của bạn đọc Trần Xuân Tiến.
Sự đáp lễ nối dài những cảm xúc thiện lành
Ở các đô thị lớn, nơi mà lưu lượng xe cộ qua lại dày đặc, căng thẳng xảy ra thường xuyên, hành động nhường đường không chỉ giúp cho việc đi lại an toàn, góp phần giảm ùn tắc, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông mà còn giúp tiết kiệm thời gian.
Đặc biệt, việc nhường đường giúp tạo ra bầu không khí lái xe hòa nhã, hợp tác, xua tan những nỗi ám ảnh bon chen đường xe tấp nập.
Qua đó cho thấy dù đối mặt với áp lực căng thẳng, việc duy trì thái độ tôn trọng lẫn nhau, thể hiện lối cư xử nhã nhặn lịch thiệp là rất cần thiết.
Khi ai đó nhường đường cho chúng ta, tưởng chừng chỉ là hành động nhường quyền đi trước cho người đối diện, nhưng nó thể hiện sự quan tâm, sự tôn trọng đối với người khác của người nhường đường.
Đến lượt mình, người được nhường đường nhẹ nhàng mỉm cười, cúi đầu bày tỏ sự cảm ơn quý mến. Sự đáp lễ đó nối dài những cảm xúc thiện lành, giúp người nhường đường cảm thấy hành động của mình trở nên giá trị, tràn đầy ý nghĩa.
Không chỉ dừng lại là niềm vui của người nhường đường và được nhường đường, những câu chuyện giản dị như vậy tiếp tục lan tỏa, truyền cho mọi người những cảm xúc ngọt ngào, những nguồn năng lượng tích cực.
Một người thực hiện, cộng đồng xã hội khen ngợi và nhiệt tình hưởng ứng làm theo. Cứ thế, lan rộng thành trào lưu tích cực mà không cần phải hô hào khẩu hiệu “đao to búa lớn”.
Nếu ai cũng biết nhường nhịn…
Những hành động giản dị như nhường đường và cúi đầu cảm ơn khi được nhường đường cho thấy văn hóa nhường nhịn không phải là điều gì quá khó để thực hiện.
Nhường đường và cúi đầu cảm ơn khi được nhường đường phản ánh tinh thần, phẩm chất của mỗi người tham gia giao thông, góp phần làm nên văn hóa nhường nhịn – yếu tố quan trọng để xây dựng một xã hội văn minh, phát triển.
Ở gia đình, mỗi người nhẹ bớt một câu nặng nề khi phát sinh ý kiến bất đồng, tránh tranh cãi không cần thiết, cùng nhau bảo vệ hạnh phúc đã dày công vun vén.
Nơi công sở, các thành viên cùng nhau lắng nghe ý kiến đồng nghiệp phòng ban trước những tình huống cần phải cân nhắc để đưa ra quyết định sáng tạo và hợp tác.
Trong học tập, nhường cơ hội cho bạn bè thể hiện ý tưởng, chia sẻ học hỏi năng lực, cùng nhau tiến thủ, cùng nhau phát triển tương lai.
Ở nhiều nền văn hóa, việc nhường nhịn thường được xem là biểu hiện của sự lịch sự, đức hạnh, góp phần tạo dựng và bảo vệ sự đoàn kết, phát triển.
Văn hóa nhường nhịn giúp các cá nhân tôn trọng lẫn nhau, là tinh thần đoàn kết, xây dựng môi trường sống và làm việc đồng cảm, tích cực.
Và để phát huy văn hóa nhường nhịn, mỗi chúng ta cần nói không với sự thiếu kiên nhẫn, thái độ thờ ơ… Đây là các yếu tố ảnh hưởng tác động đến văn hóa nhường nhịn.
Cúi đầu cảm ơn là tốt nhưng phải đi đúng luật
* Nhường đường là tốt, cảm ơn cũng hay. Nhưng trong một xã hội văn minh, việc chấp hành luật là điều kiện tiên quyết. Thực tế có nhiều clip cho thấy việc đi qua đường sai luật. Gần đó có vạch mà không đi, cứ băng qua sai luật thì có ngàn lần cảm ơn cũng vô nghĩa.
Bạn đọc Dũng
* Đi đúng vạch dành cho người đi bộ thì các xe sẽ nhường. Còn đa số thấy cứ đi tùy tiện ra đường rồi giơ tay kêu dừng. Đi đường phải nhường đường cho xe đi thẳng, xe có tốc độ cao. Đâu phải cứ muốn qua đường là qua rồi cúi đầu!
Bạn đọc Thanh Long