Trong tiếng kèn bài Vì nhân dân quên mình, cả đại đội băng qua bãi bom nổ chậm

Ông Nguyễn Tiến Lịch và cây kèn harmonica ông từng thổi bên bãi bom – Ảnh: T.ĐIỂU

Câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Tiến Lịch khiến những người dự tại tọa đàm Có một thời như thế trong lễ khai mạc triển lãm Ký ức và niềm tin do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 19-12 đều rưng rưng xúc động.

Thế hệ “Vì nhân dân quên mình” mà ra trận

Đó là năm 1971 vô cùng gian lao của đất nước mình. Ông Nguyễn Tiến Lịch, 28 tuổi, vào chiến trường lần thứ 2. Ông là chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 530, Trung đoàn 5 biệt danh là Đoàn Dũng sĩ Cát Bi.

Đơn vị của ông Lịch sau những ngày huấn luyện vất vả thì nhận lệnh hành quân vào chiến trường B2, miền Đông Nam Bộ, phải đi qua đất Lào.

Một ngày, sau mấy tháng hành quân vượt Trường Sơn, đơn vị ông tới cao nguyên Bô-lô-ven trên đất bạn Lào, đoạn gần ngã ba ba nước Đông Dương.

Ông Nguyễn Tiến Lịch thổi lại một đoạn bài Vì nhân dân quên mình tại tọa đàm

Đó là đoạn đường độc đạo, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, dốc đá trơn trượt. Mới chiều hôm trước ở đoạn đường này máy bay B52 vừa giội bom. Giao liên báo vẫn còn một số bom hẹn giờ, không biết lúc nào nổ.

Một số người cảm nhận được sự hủy diệt của nó, hàng quân như chững lại trong giây lát. Ông Lịch hội ý nhanh với đội trưởng, quyết định chia đơn vị thành nhiều tốp nhỏ, mỗi tốp 3 người để nhanh chóng vượt qua cửa tử.

Nhưng ông thấy một số anh em trẻ sợ. Đơn vị ông toàn anh em lính trẻ không quá 20-22 tuổi, nhiều người còn chưa biết yêu lần nào. Chạy qua bãi bom ấy là chạy qua cái chết có thể đến bất ngờ.

Thấy tình hình căng, ông Lịch liền xốc ba lô chạy đến giữa bãi bom, đứng bên một quả bom mà hô hào, động viên tinh thần anh em tiến bước.

Rồi ông rút trong ba lô chiếc kèn harmonica mà mỗi chính trị viên lên đường ra mặt trận đều được phát cùng một chiếc đài Trung Quốc.

Ông Lịch đứng cạnh quả bom thổi bản nhạc bài Vì nhân dân quên mình để tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội.

Ông cứ thổi không biết bao nhiêu lần bản nhạc đó, cho đến khi tốp lính cuối cùng vượt qua bãi bom an toàn mới cùng đồng chí giao liên vượt qua bãi bom tiến kịp đồng đội.

Sau này, họa sĩ Vương Trần – Câu lạc bộ Cựu chiến binh Việt Nam yêu thương, sau khi nghe câu chuyện của ông Lịch đã xúc động vẽ lại khoảnh khắc người lính đứng thổi kèn giữa bãi bom để khích lệ đồng đội dũng cảm vượt qua cửa tử.

Bức tranh được họa sĩ tặng lại ông Lịch.

Nay ông Lịch tặng lại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cùng với cây kèn harmonica cùng những bức thư vợ ông gửi cho ông ở chiến trường, những bức thư mà nhờ đó ông Lịch có sức mạnh và niềm tin để đi qua mưa bom bão đạn đến ngày hòa bình trở về.

Trong tiếng kèn bài ‘Vì nhân dân quên mình’, cả đại đội băng qua bãi bom nổ chậm - Ảnh 2.

Các diễn giả tại tọa đàm, từ trái qua: Bà Hoàng Thị Kim Vinh, ông Nguyễn Tiến Lịch, bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, ông Hoàng Nam Tiến – Ảnh: T.ĐIỂU

Anh đi đánh giặc để các con mình không còn phải đổ máu

Tại tọa đàm, câu chuyện của bà Hoàng Thị Kim Vinh xung phong vào bộ đội, để lại quê nhà đứa con thơ mới 1 tuổi khiến người nghe cảm động.

“Lúc ấy ngọn lửa cách mạng đang bùng cháy trong lòng tôi, tôi nguyện khắc phục mọi khó khăn trong gia đình để lên đường đi chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc…”, bà Vinh chia sẻ.

Hay chuyện cô gái Nguyễn Thị Bảo Hiền năm 1971 cũng xung phong vào bộ đội khi còn rất trẻ, cái tuổi chưa biết nghĩ tới những điều lớn lao như bảo vệ Tổ quốc, mà vào bộ đội chỉ vì… mê bộ quân phục của người lính, cũng khiến người nghe xúc động và cảm phục các thế hệ cha anh.

Trong tiếng kèn bài Vì nhân dân quên mình, cả đại đội băng qua bãi bom nổ chậm - Ảnh 6.

Ông Hoàng Nam Tiến và bà Nguyễn Thị Bảo Hiền tại tọa đàm – Ảnh: T.ĐIỂU

Ông Hoàng Nam Tiến – con trai Thiếu tướng Hoàng Đan, nguyên cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng – cũng khiến người nghe thêm tự hào và cảm động về đội quân ra trận đặc biệt của đất nước mình.

Ông Tiến kể ba ông trong lá thư gửi cho vợ đã viết lý do ra trận thật giản dị mà cao cả: “Anh phải đi đánh nhau để con mình không phải đi đánh nhau nữa, và để em được sống hạnh phúc trong hòa bình”.

“Người lính ra trận suy nghĩ rất đơn giản. Họ nhận hy sinh đổ máu về mình để con cháu không phải đổ máu nữa”, ông Hoàng Nam Tiến nói.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *