Đó là chia sẻ của TS Deborah Saucier, chủ tịch Đại học Vancouver Island (Canada), với phóng viên báo Tuổi Trẻ nhân chuyến công tác đến TP.HCM của bà.
Ngày càng nhiều sinh viên Canada đến Việt Nam
* Tại TP.HCM, bà vừa có một bài chia sẻ rất hay về xu hướng du học Canada của các sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, bà cũng đề cập nhiều sinh viên Canada đến Việt Nam du học?
– Sinh viên Việt Nam luôn được trường chúng tôi chào đón vì năng lực và sự tâm huyết. Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ một điều thú vị khác.
Hiện nay, ngày càng nhiều hơn những nhóm sinh viên Canada đến Việt Nam học tập. Vượt qua khoảng cách địa lý, các bạn đang học tại các chương trình trao đổi từ vài tuần đến vài tháng ở TP.HCM, Cần Thơ, Trà Vinh…
Ban đầu, sinh viên của chúng tôi rất lo lắng chuyện phải đi xa, đặc biệt là đến một nước châu Á. Họ sợ vì không nói được tiếng Việt. Nhưng sau khi tới Việt Nam, nhiều bạn lại cảm thấy rất quen thuộc.
Ngay trong những bữa ăn đầu tiên, nhiều bạn phải thốt lên: Ôi trời ơi, tôi đã ăn món này hồi nhỏ ở Canada. Hay khi được các thầy cô giáo Việt Nam giới thiệu về nước mắm, cảnh báo trước các bạn sinh viên rằng loại nước chấm này rất nặng mùi. Nhưng rồi hóa ra cũng có một số sinh viên Canada nói các bạn cũng có một chai nước mắm tại nhà.
Nghĩa là các bạn cảm thấy ở Việt Nam, đâu đó có những thứ quen thuộc với cuộc sống của bạn ở Canada. Nhưng tất nhiên vẫn có rất nhiều điểm khác biệt để khám phá. Trước hết là ngôn ngữ, rồi giao thông, sau đó tới chương trình học, văn hóa… Sinh viên của chúng tôi rất yêu thích Việt Nam.
* Thật ngạc nhiên. Vì sao trường đại học của bà lại rất quan tâm việc đưa sinh viên đến Việt Nam, thưa bà?
– Một trong những điều chúng tôi học được trong đại dịch là chuỗi cung ứng toàn cầu. Và những quốc gia như Việt Nam vẫn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi ấy.
Vậy thì trong giáo dục, mỗi ngôi trường, mỗi giảng viên, mỗi sinh viên, từ kỹ thuật, kinh doanh đến chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam cũng chính là một mắt xích trong mạng lưới giáo dục toàn cầu và có nhiều điều thú vị cho chúng tôi tìm hiểu. Tại đó, các sinh viên, giảng viên các nước phương Tây vẫn có thể mở rộng kiến thức, góc nhìn của mình về nhiều vấn đề.
Với sinh viên của chúng tôi, các bạn tham gia nhiều dự án kỹ thuật, nghiên cứu ở Việt Nam. Họ cũng dành nhiều thời gian cộng tác với sinh viên Việt Nam, đồng thời tham gia nhiều hoạt động sinh viên.
Cuối cùng, các bạn nhận ra rằng không phải chúng ta chỉ có một cách giải quyết vấn đề từ góc nhìn của các nước phương Tây. Đó cũng là điều chúng tôi luôn muốn dạy cho sinh viên, một vấn đề có nhiều cách giải quyết.
Bài toán ứng dụng AI
* Các trường đại học tại Việt Nam đang nhắc nhiều đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo và quản lý. Tại trường bà nói riêng và các trường ở Canada nói chung, tâm thế tiếp cận làn sóng AI như thế nào?
– Bạn thử nghĩ xem, sau một môn học, điều nào quan trọng hơn: bạn cần sinh viên hiểu về bài học hay cần sinh viên làm được bài báo cáo cuối kỳ? Nếu mục tiêu là hiểu thêm về một chủ đề cụ thể nào đó, việc ứng dụng AI không phải là vấn đề. Chúng ta hãy dạy sinh viên cách đánh giá từ bên trong, đó là hiểu và áp dụng được bài học.
Không thể phủ nhận AI là một công cụ rất, rất hữu ích. Nó cũng chẳng khác gì chiếc điện thoại thông minh của chúng ta. Ngay cả trong văn phòng chủ tịch trường, chúng tôi cũng sử dụng AI. Con gái tôi hiện đang học cấp III. Trong lớp tiếng Anh lớp 12 của con gái tôi, các em cũng được yêu cầu sử dụng AI để đánh giá các câu tiếng Anh do AI tạo ra.
Còn ở đại học chúng tôi, các giảng viên được giao quyền quyết định xem họ có muốn sử dụng AI trong lớp học hay không. Nhưng điều chắc chắn là dù các giáo sư có cho phép hay không, sinh viên vẫn đang sử dụng.
Vậy thì, thầy cô giáo có thể nghĩ ra nhiều bài tập thông minh hơn cho sinh viên của mình. Tôi biết một giảng viên trường tôi ban đầu quá mệt mỏi vì sinh viên dùng AI để giải toán. Sau đó, thầy cho đề ngược, nghĩa là cho luôn nhiều bài giải của AI sau đó yêu cầu các em tìm lỗi sai trong bài giải của chính AI ấy. Vậy là các em vẫn có thể dùng AI một cách thông minh.
Đại học ở Việt Nam thay đổi rất nhanh
* Có nhiều kinh nghiệm làm việc với các đại học tại Việt Nam, bà có nhận thấy sự thay đổi của các trường trong những năm gần đây?
– Quan sát các trường đại học Việt Nam, chỉ trong một thời gian ngắn, tôi thấy các trường đã thay đổi rất nhanh chóng. Điều dễ thấy nhất là số lượng và chương trình học mà các đại học đang cung cấp. Có thể bạn cũng nhận thấy điều này, những năm gần đây các trường đại học Việt Nam mở ra thêm rất nhiều ngành học, chương trình đào tạo.
Trước hết tôi nhìn dưới góc độ tích cực, các bạn trẻ giờ đây có rất nhiều lựa chọn theo đuổi ngành học yêu thích, rất đa dạng và phong phú. Xu hướng này cũng thích hợp với các trường đại học ở những quốc gia phát triển khi xây dựng đại học thành trường đa ngành, đa lĩnh vực. Trong thời gian tới, tôi nghĩ con số này có thể tăng trưởng theo cấp số nhân.
Nhưng phát triển quá nhiều chương trình cũng mang tới khó khăn. Đơn cử, trường chúng tôi hiện có khoảng 120 chương trình, tuy nhiên một số chương trình chỉ có hai hoặc ba giáo sư.
Khi bạn dàn trải thì sẽ phải chấp nhận một thử thách là nguồn lực mỏng. Vì vậy, tôi nghĩ các trường đại học Việt Nam cũng nên quan tâm rất nhiều điều này, có một chiến lược kết hợp các nguồn lực để đảm bảo chất lượng giảng dạy và nghiên cứu trong thời gian tới.
TS Deborah Saucier được bổ nhiệm làm chủ tịch Đại học Vancouver Island vào tháng 7-2019. TS Saucier có bằng TS tâm lý học tại Đại học Western Ontario, đồng thời bằng cử nhân và thạc sĩ tâm lý học tại Đại học Victoria.
Đại học Vancouver Island là một trường đại học công lập, top 50 trường tốt nhất tại Canada. Cơ sở chính nằm ở Nanaimo, với các cơ sở khu vực ở Duncan và Powell River.