Trường đại học ‘đua’ đạt chuẩn tiến sĩ

Sinh viên Trường đại học Tài chính – Marketing. Hiện tỉ lệ giảng viên tiến sĩ của trường mới chỉ đạt 32%, dự kiến tăng lên 68% vào năm 2027 – Ảnh: N.T.

Thông tư 01/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuẩn cơ sở giáo dục đại học có hiệu lực từ tháng 3-2024.

Theo thông tư này, đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ, tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30%; đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ: không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50%.

Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu công bố kết quả thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học của các trường trước ngày 30-6 hằng năm, bắt đầu từ năm 2025.

Chính sách thu hút

Theo thống kê từ hệ thống HEMIS của Bộ Giáo dục và Đào tạo do các cơ sở đào tạo kê khai, số lượng giảng viên toàn thời gian năm 2024 của cả nước là 91.297 người. Trong đó, giảng viên có học hàm học vị GS.TS 743 người, PGS.TS 5.629 người, tiến sĩ 23.776 người, thạc sĩ 53.412 người, đại học hơn 6.000 người…

Như vậy tổng giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ là hơn 30.000 người, chiếm 33% tổng số giảng viên.

Trung bình cả nước như vậy nhưng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường đại học có khoảng cách rất lớn. Nhiều trường đại học lớn có lịch sử lâu đời, tỉ lệ này lên đến 60-70%. Trong khi đó, những trường đại học mới chỉ có tỉ lệ giảng viên tiến sĩ từ 20% đến trên 30%…

Ông Phạm Tiến Đạt, hiệu trưởng Trường đại học Tài chính – Marketing, cho biết hiện nay tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường khoảng 32%, tăng mạnh so với mức 22% của năm 2021.

“Tuy nhiên trường khó có thể đạt chuẩn 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ vào năm 2025. Hiện 210 giảng viên của trường đang làm nghiên cứu sinh và dự kiến đến năm 2027 mới hoàn thành. Vài năm qua trường chỉ thu hút được 6 tiến sĩ do chính sách của các trường cũng tương tự nhau” – ông Đạt nói.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Anh, phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ TP.HCM, cho hay trường khó đạt chuẩn về tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong lần đầu tiên công bố. Hiện nay mới chỉ có khoảng 25% giảng viên của trường có trình độ tiến sĩ.

“Trường phấn đấu đạt mức 30% trong lần công bố đầu tiên. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy giảng viên trẻ học tiến sĩ, trường cũng tăng cường tuyển dụng tiến sĩ, nhất là những người học từ nước ngoài về.

Bên cạnh các chính sách thu hút, trường xác định vấn đề quan trọng để thu hút giảng viên trình độ tiến sĩ là môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ phù hợp” – ông Quốc Anh nói thêm.

Trong khi đó, nhiều trường đại học hiện chưa đạt chuẩn tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ nhưng dự kiến sẽ đạt trong năm 2025. Ông Nguyễn Xuân Hoàn, hiệu trưởng Trường đại học Công Thương TP.HCM, cho biết hiện khoảng 39% giảng viên của trường có trình độ tiến sĩ. Dự kiến cuối năm 2024 tỉ lệ giảng viên tiến sĩ sẽ vượt 40%.

“Chính sách thu hút giảng viên trình độ tiến sĩ về trường tương đối hiệu quả. Hai năm qua có hơn 20 tiến sĩ về trường làm việc. 1/3 trong số này tốt nghiệp từ nước ngoài.

Ngoài ra, trường cũng có chính sách hỗ trợ và chế tài đối với giảng viên của trường làm nghiên cứu sinh. Điều này đã gia tăng số lượng giảng viên cơ hữu của trường làm tiến sĩ” – ông Hoàn nói về chính sách gia tăng tiến sĩ của trường.

Tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, ông Phan Hồng Hải – hiệu trưởng nhà trường – cho biết tuần rồi trường vừa tuyển dụng 15 tiến sĩ. Tùy theo ngành và vị trí làm việc, mỗi tiến sĩ được hỗ trợ 100 – 200 triệu đồng. Hiện tỉ lệ giảng viên tiến sĩ của trường khoảng 40%.

“Việc thu hút tiến sĩ bên ngoài, nhất là người học ở nước ngoài về giúp rút ngắn thời gian, đáp ứng chuẩn cũng như mục tiêu chất lượng của trường” – ông Hải nói.

Trường đại học 'đua' đạt chuẩn tiến sĩ - Ảnh 2.

Trường đại học Công Thương TP.HCM dự kiến cuối năm 2024 tỉ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ của trường sẽ vượt 40% – Ảnh: HUIT

Chú trọng nội lực

Hiện nay hầu như đa số các trường đều có chính sách người có học hàm, học vị về trường làm việc. Tuy nhiên hiệu quả của chính sách này chưa hẳn hiệu quả với tất cả các trường. Đó là chưa kể người đến vì thu hút cũng có thể đi vì chính sách của trường đại học khác tốt hơn.

Thậm chí ông Nguyễn Tuấn Khanh, bí thư Đảng ủy Trường đại học Kiên Giang, lo lắng: trường hỗ trợ chi phí và đảm bảo chính sách cho giảng viên của trường khi làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước nhưng nguy cơ mất người rất lớn khi hiện nay các trường đại học đều đang có chính sách thu hút tiến sĩ.

“Trường sắp tự chủ, quy mô đào tạo chưa lớn. Trước chính sách thu hút hấp dẫn của nhiều đại học khác, trường thực sự lo lắng về nguy cơ mất người” – ông Khanh thẳng thắn nói.

Nói về chiến lược phát triển đội ngũ khi tỉ lệ giảng viên tiến sĩ mới gần 20%, ông Khanh cho biết phần lớn các trường đưa người của trường làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Trường tài trợ toàn bộ học phí trong thời gian học đúng hạn, đảm bảo các phúc lợi như làm việc tại trường.

“Theo quy định, người đi học nước ngoài được hưởng 60% lương nhưng trường trích quỹ sự nghiệp bù 40% còn lại để người đi học được hưởng 100% lương.

Chúng tôi xem đi học là nhiệm vụ và đó cũng là một cách đóng góp cho trường. Khi học xong về trường sẽ nhận được một khoản hỗ trợ. Hiện có 38 người của trường đang làm nghiên cứu sinh. Đây là nguồn bổ sung chính của trường chứ không phải thu hút” – ông Khanh nói.

Từ thực tế chính sách thu hút tiến sĩ về trường, ông Phạm Tiến Đạt đánh giá chính sách thu hút tiến sĩ không hiệu quả bằng phát triển nội lực của đội ngũ giảng viên. 

Theo ông Đạt, hiện có hơn 200 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh. Dự kiến cuối năm 2027 phần lớn giảng viên sẽ tốt nghiệp tiến sĩ. Khi đó tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường sẽ đạt khoảng 68%.

“Chúng tôi có chính sách thu hút tiến sĩ từ nước ngoài về trường nhưng thủ tục hành chính khá phức tạp và mất thời gian.

Chỉ riêng khoản này trường công đã khó cạnh tranh với trường tư. Đó là chưa kể người đến với trường vì chính sách thu hút chứ không phải vì mục tiêu gắn bó lâu dài cũng sẽ dễ dàng đi nơi khác nếu chính sách tốt hơn.

Do đó trường xác định phát triển đội ngũ giảng viên tại chỗ là quan trọng và bền vững. Trường đưa ra các chính sách hỗ trợ học phí, công tác phí, hỗ trợ sau khi tốt nghiệp tiến sĩ để khuyến khích giảng viên làm tiến sĩ” – ông Đạt nói thêm.

Khuyến khích giảng viên trẻ

Ông Phan Hồng Hải cho biết trường khuyến khích giảng viên trẻ làm nghiên cứu sinh với các chính sách hỗ trợ đi kèm. Hiện có khoảng 200 giảng viên của Trường đại học Công nghiệp TP.HCM đang làm nghiên cứu sinh.

Giảng viên đi học được hưởng 100% lương, giảm 50% giờ dạy, trường đóng học phí. Khi học xong về trường mỗi tháng sẽ được hỗ trợ thêm 8 triệu đồng với điều kiện mỗi năm phải công bố một bài báo khoa học trên tạp chí khoa học uy tín.

“Chúng tôi khuyến khích giảng viên làm tiến sĩ và có các hỗ trợ cần thiết. Tuy nhiên làm ở trường nào do hiệu trưởng xem xét có đúng ngành, trường có chất lượng hay không chứ không phải trường nào cũng được” – ông Hải cho biết thêm.

Khó đạt

Theo nhiều trường đại học, việc đưa ra chuẩn tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ cần thiết để các trường có giải pháp nâng cao trình độ giảng viên, chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Tuy nhiên, hệ số tham chiếu và thời gian thực hiện gấp gáp khiến nhiều trường khó đạt được.

Phó hiệu trưởng một trường đại học ngoài công lập tại TP.HCM đánh giá tỉ lệ 40% dường như được tham chiếu từ các trường đại học lớn, lâu đời. Trường đại học tư thục và trường tỉnh khó đạt được chuẩn này trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, ông Trịnh Hữu Chung, phó hiệu trưởng Trường đại học Gia Định, cho biết hiện trường chưa đào tạo tiến sĩ và đạt chuẩn tỉ lệ giảng viên tiến sĩ. Tuy nhiên, mục tiêu phát triển của trường là đào tạo tiến sĩ.

Để làm được việc này, trường phải đạt chuẩn giảng viên tiến sĩ 40%. Ông Chung cho biết đây là chuẩn trường khó đạt trong tương lai gần.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *