Ngày 24-7, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm phương thức xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với điểm thi THPT (PT 409).
Mức điểm chuẩn dao động từ 23 – 27,5 điểm. Điểm chuẩn cao nhất là quan hệ công chúng; kế tiếp có hai ngành cùng có mức điểm chuẩn 27 là báo chí và tâm lý học.
Có 6 ngành cùng có điểm chuẩn thấp nhất là 23 điểm, gồm Hán Nôm, khoa học quản lý, nhân học, thông tin – thư viện, tôn giáo học, triết học.
Mức điểm trên được tính theo công thức sau:
Điểm xét tuyển = điểm quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã quy đổi + điểm môn 1 + điểm môn 2 + điểm ưu tiên (ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng).
Trong đó, điểm ưu tiên = [(30 – tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điểm chuẩn trúng tuyển phương thức xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT như sau:
Trước đó, ngày 10-7, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cũng đã công bố điểm xét tuyển sớm hai phương thức.
Cụ thể, với phương thức 401 – xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, điểm chuẩn trúng tuyển thang 150 dao động từ 80 – 104 điểm, trong đó ngành có điểm chuẩn cao nhất là quan hệ công chúng với 104 điểm, kế tiếp là tâm lý học 101,5 điểm, báo chí 97,5 điểm, Hàn Quốc học 95 điểm.
Khi quy về thang điểm 30, mức điểm chuẩn dao động từ 16 – 20,8 điểm.
Với phương thức 408 – xét điểm chứng chỉ quốc tế SAT, thang điểm 1.600, có 26/28 ngành cùng lấy điểm chuẩn 1.140 điểm, riêng ngành tâm lý học lấy điểm chuẩn 1.227 điểm, ngành quan hệ công chúng lấy 1.173 điểm.
Khi quy về thang điểm 30, mức điểm chuẩn dao động từ 21,38 – 23 điểm.
Năm 2024, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tuyển 2.300 chỉ tiêu với 6 phương thức xét tuyển.
Năm ngoái, điểm chuẩn trúng tuyển vào Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT dao động từ 20 – 28,78 điểm.