Những năm gần đây, khi được xây dựng mới, các trường học tại Đà Nẵng dành sự chú ý đặc biệt cho khâu thiết kế, đồng thời có sự tham gia góp ý ngay từ đầu của thầy cô giáo.
Kiến trúc sư Vũ Quang Hùng (đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng)
Hành lang xanh, thư viện mở
Đang trong kỳ nghỉ hè nhưng nhiều thầy cô giáo Trường THCS Trần Hưng Đạo (phường Bình Thuận, quận Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn thường xuyên đến trường.
Khu C của trường học lâu đời này sắp được đập bỏ để xây dựng mới. Nơi này được thiết kế đa năng để phục vụ giảng dạy nhiều môn cho 1.200 học sinh.
Các thầy cô giáo liên tục có mặt để cùng đơn vị thi công hoàn chỉnh những ý tưởng trước khi bỏ móng xây dựng mới.
Cô Võ Thị Minh Phương, hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo, cho biết do trường ở khu vực trung tâm nên diện tích khá nhỏ. Trong lần xây mới khu C này, nhà trường đã đề xuất không gian mở ở tầng trệt. Lần lượt các tầng còn lại sẽ phục vụ giảng dạy các bộ môn như âm nhạc, sinh học…
“Điểm nhấn trong thiết kế này chính là tầng 1 với không gian mở hoàn toàn. Đây có thể là nơi sinh hoạt, vận động cho các em bất kể thời tiết mưa nắng. Vì chúng tôi không có nhà vận động, khu sân tập thể dục thể thao trong nhà nên không gian mở tầng 1 sẽ được sử dụng linh động”, cô Phương nói.
Dẫn chúng tôi qua khối nhà sắp đập bỏ, cô Phương cho biết khu nhà vệ sinh giữa khối nhà B và C sẽ được đập bỏ để làm hành lang nối hai khối nhà.
Đây là đề xuất của thầy cô giáo nhà trường trước khi khởi công công trình đã được các đơn vị nhà thầu thi công thông qua thiết kế.
Ngoài ra, trên cơ sở nhu cầu của nhà trường đang cần phòng giảng dạy cho các bộ môn, các phòng học mới xây dựng sẽ được định hướng công năng, công dụng cho phù hợp. Các giáo viên bộ môn cũng đóng góp ý kiến vào thiết kế để sát với không gian giảng dạy như môn âm nhạc, sinh học, hóa học…
Năm học trước Trường THCS Trần Hưng Đạo cũng được đầu tư cải tạo hai công trình điểm nhấn gồm trục hành lang nối khối nhà A – B và thư viện mở. Hai khối nhà A – B được xây dựng bốn tầng nằm song song cách đây nhiều năm.
Mỗi khi chuyển tiết từ tòa nhà này sang nhà kia thì giáo viên và học sinh phải di chuyển lên xuống nhiều tầng. Đó là chưa kể vào những thời điểm mưa gió, không có đường hành lang gây bất tiện trong sinh hoạt, giảng dạy.
Năm học vừa qua công trình hành lang nối tầng 3 và tầng 4 giữa hai khối nhà đã được xây dựng. Trong đó các trụ đỡ hành lang được xây cao, còn lan can hành lang được thiết kế khung inox tạo sự thông thoáng, trẻ trung.
Ngoài ra bên ngoài lan can còn có dải cây xanh làm bừng sáng cảnh quan của trường học được xây dựng hàng chục năm trước.
“Bây giờ hành lang không chỉ là nơi đi lại mà còn là điểm nhấn không gian giải lao của các con sau giờ học. Thầy cô giáo chuyển tiết không phải lo cầm dù, mang áo mưa để di chuyển qua các khu vực giảng dạy”, cô Phương nói.
Trong những năm gần đây, kiến trúc trường học đã được chú ý đến nhiều hơn. Nhiều ngôi trường mới ở trung tâm thành phố như Trường tiểu học Lý Tự Trọng, Trường THCS Trưng Vương, Trường THCS Tây Sơn… được thiết kế với phương án kiến trúc mới, vừa hiện đại, thẩm mỹ. Đồng thời nhiều trường cũ được cải tạo cũng hướng tới việc mang đến không gian xanh mát, thân thiện với học sinh.
Một trong những thay đổi nữa tại các ngôi trường ở Đà Nẵng là việc đầu tư các thư viện “mở”. Các thư viện bài trí sách báo tương tự không gian nhà sách, giảm bàn ghế mà thay vào đó là các bệ ngồi ngay nơi để sách.
Không còn chìa khóa trao tay
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Đà Nẵng cho biết một thời gian dài việc đầu tư phòng ốc, trường học thường theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Tức trường học được xây mới rồi bàn giao cho nhà trường. Các thầy cô giáo, học trò là đối tượng sử dụng chính nhưng không tham gia ý kiến vào quá trình thiết kế.
“Tất nhiên không ai hiểu sản phẩm bằng người dùng. Học sinh, giáo viên sử dụng hằng ngày nên công năng sử dụng chúng tôi là người nắm hết. Lấy ví dụ như trước đây có trường xây dựng khu nhà vệ sinh giáo viên và học sinh gần nhau cũng chưa phù hợp.
Hay công trình nhà vệ sinh của học sinh nhưng thiết bị, chiều cao tính theo chuẩn người lớn gây bất tiện. Rồi nhà trường cho người trực bảo vệ chưa tính hết tiện ích sinh hoạt cho người trực 24/24 giờ…”, vị này nói.
Gần 15 năm làm hiệu trưởng, thầy giáo này nhận xét ở Đà Nẵng có “làn gió mới” trong tư duy thiết kế trường học. Nhiều trường bây giờ hài hòa với cảnh quan khu vực nhờ được trang trí nhiều màu sắc hơn so với hai khung màu vàng – đỏ chủ đạo trước đây.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đình Khánh Vân, trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND thành phố Đà Nẵng, cho biết hiện nay khi xây mới các trường đã có sự đầu tư lớn trong khâu thiết kế. Khi lên ý tưởng, thiết kế thì bám sát vào tình hình thực tế, nhu cầu nhà trường và dự báo phòng ốc.
Theo ông Vân, việc thầy cô giáo tham gia ngay từ khâu thiết kế sẽ khắc phục được những điểm yếu “chìa khóa trao tay” trước đây.
Bởi các thầy cô giáo nắm chắc số lượng học sinh, dự báo lớn học sinh trong các năm tới. Đồng thời thầy cô giáo hiểu rõ từng nhu cầu, tiện ích phòng ốc qua đó sẽ sử dụng hiệu quả, hết công suất các thiết kế.
“Hiện nay theo quy định việc thiết kế trường học không đến mức có phương án thi thiết kế kiến trúc nhưng cũng có một số nơi làm được.
Việc thi thiết kế kiến trúc thường đối với các công trình lớn và kéo dài thêm sáu tháng nên không phải trường nào cũng làm được. Tuy nhiên hiện nay việc xây dựng trường học đã có sự đầu tư rất lớn vào khâu thiết kế để tạo điểm nhấn và không gian mới giúp trường thoát khỏi mô típ không gian truyền thống”, ông Vân nhận xét.
Theo ông Vân, trường học là ngôi nhà thứ hai của các con. Các trường học mới được làm mới hiện nay hướng tới tiêu chí thân thiện với môi trường đảm bảo không gian thông thoáng, có khuôn viên rộng, hệ thống cây xanh bao phủ tạo nên một không gian tốt đáp ứng nhu cầu học tập. Việc tạo ra không gian thoải mái sẽ đảm bảo chất lượng dạy và học tốt hơn cho học trò thành phố.
Lan tỏa khắp thành phố
Hiện nay, việc thiết kế trường học kiểu mới không chỉ có ở các quận trung tâm Đà Nẵng mà nhiều quận, huyện đều chú trọng. Một số trường từ cấp học mầm non đến lớp 12 được xây mới làm bừng sáng cả không gian khu dân cư.
Vào năm 2023, Hội Kiến trúc sư thành phố Đà Nẵng cũng đã công bố các tác phẩm kiến trúc đoạt Giải thưởng kiến trúc Sao Biển 2023.
Trong đó công trình Trường THCS Trưng Vương đã giành giải nhất. Giải thưởng này mang nhiều ý nghĩa, trong đó nâng cao nhận thức về công trình xanh, kiến trúc xanh, quảng bá những giá trị thẩm mỹ, kinh tế, thân thiện môi trường của các công trình mới đem lại.