Vi rút HMPV lây lan ở Trung Quốc có đáng lo?

Đeo khẩu trang cũng là một cách bảo vệ sức khỏe – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế Việt Nam cho hay đang theo dõi sát tình hình diễn biến của dịch bệnh, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về vi rút gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus – HMPV).

Nhiều trường hợp mắc do HMPV lây lan ở nước láng giềng Trung Quốc.

HMPV không phải vi rút mới

Tại Việt Nam, ông Hoàng Minh Đức, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay ngay sau khi ghi nhận các thông tin, cục đã liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR) của Trung Quốc (Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc – CDC Trung Quốc).

“Đến thời điểm hiện tại, WHO chưa có thông tin chính thức về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc. Đồng thời chưa được xác minh độ tin cậy và tính chính thống của thông tin đang lan truyền như lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19.

Hay những hình ảnh về tình trạng quá tải tại các bệnh viện ở Trung Quốc do các trường hợp nhiễm HMPV và thông tin về việc công bố tình trạng khẩn cấp hay việc quá tải các lò hỏa táng cũng được chia sẻ trên các trang mạng xã hội”, ông Đức cho hay.

Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, qua báo cáo kết quả giám sát trọng điểm các bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp trong tuần 52 năm 2024 của CDC Trung Quốc, các mẫu bệnh phẩm thu thập từ khoa khám bệnh ngoại trú và khoa cấp cứu của các bệnh viện ghi nhận các tác nhân chủ yếu là vi rút cúm, HMPV và rhoviru.

Các mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng phải nhập viện ghi nhận các tác nhân chủ yếu là vi rút cúm, Mycoplasma pneumoniae và HMPV.

Ông Đức cũng thông tin ngày 4-1-2025, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông tin bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đang lây lan ở nước này là bệnh thường quy, không phải sự kiện y tế bất thường, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường đạt đỉnh vào thời điểm này trong năm tại Trung Quốc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho hay bản chất vi rút HMPV cùng họ với vi rút hợp bào RSV.

“Đối với vi rút nói chung thường xảy ra đột biến, bản thân vi rút cúm cũng đột biến. Tuy nhiên, mức độ và vị trí đột biến sẽ quyết định đến độc tính, khả năng lây lan của dịch bệnh.

HMPV là một dạng biến thể của vi rút RSV, đã từng được ghi nhận, không quá nguy hiểm. Tuy nhiên khả năng đột biến của vi rút diễn ra thường xuyên, vì vậy cần tiếp tục theo dõi, không nên quá hoang mang, cũng không chủ quan. Nếu dịch phát triển, có nguy cơ lây lan nhanh hoặc độc tính thì cần có khuyến cáo phù hợp”, bác sĩ Hùng cho hay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết đến nay WHO chưa có thông tin cảnh báo về dịch bệnh này. Theo thông tin từ Trung Quốc thì bệnh hô hấp này do vi rút cúm, vi rút hợp bào hô hấp RSV thông thường gây ra.

“Đây là những loại vi rút bình thường, không phải loại nguy hiểm vì vậy người dân không nên quá hoang mang”, ông Phu khẳng định.

Tại sao số ca mắc tại Trung Quốc gia tăng?

Lý giải về số ca mắc gia tăng tại Trung Quốc, ông Phu nhận định có thể do trong thời gian đại dịch COVID-19 giãn cách xã hội, số người mắc bệnh do HMPV giảm, dẫn đến miễn dịch cộng đồng giảm.

Trong khi đó, bệnh do HMPV vẫn là bệnh xảy ra hằng năm, đặc biệt thời gian đông – xuân. Khi vào mùa vi rút phát triển, cùng với biện pháp phòng dịch hạn chế, miễn dịch cộng đồng giảm dẫn đến số ca mắc gần đây có sự gia tăng.

Cục Y tế dự phòng cũng cho hay Trung Quốc hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có xu hướng gia tăng trong thời gian này. Trong đó bao gồm các tác nhân chính là vi rút cúm mùa, vi rút hợp bào hô hấp ở trẻ em – RSV, HMPV.

Trên cơ sở các thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát trọng điểm các bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp, Cục Y tế dự phòng đã chủ động việc theo dõi, giám sát thông tin về diễn biến tình hình mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tại Trung Quốc.

Cục Y tế dự phòng sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ với WHO, đầu mối thực hiện IHR của Trung Quốc để cập nhật thông tin và chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng.

Đồng thời không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn mùa đông xuân hiện nay với điều kiện thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan.

Ông Phu cũng cho rằng Việt Nam cũng cần tiếp tục theo dõi những tin tức từ WHO để có những cảnh báo, đáp ứng phù hợp, không lo lắng quá nhưng cũng không chủ quan trong phòng chống dịch.

Các cách phòng bệnh

Ông Phu khuyến cáo người dân cần chú ý phòng bệnh giống như các bệnh đường hô hấp khác. Khi có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi… cần hạn chế đến đám đông, nơi công cộng để tránh lây nhiễm bệnh cho người khác. Đồng thời rửa tay với xà phòng, vệ sinh thường xuyên.

Khi tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh cần đeo khẩu trang. Tóm lại cần phòng bệnh như COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp khác.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng cũng khuyến cáo trẻ em, người già, người có bệnh lý nền khi mắc bệnh hô hấp có thể dẫn đến chuyển nặng. Vì vậy khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở, đau ngực… người dân nên đến ngay các cơ sở y tế để thăm, khám, điều trị kịp thời.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *