Hiện nước ta đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỉ lệ 75% giá xuất xưởng. Tỉ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm 38,8% (năm 2020).
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, tuy nhiên tác động của mức tăng thuế đối với giá thuốc lá và tỉ lệ sử dụng thuốc lá là không đáng kể, do vậy không đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc.
Từ năm 2008 – 2019, Việt Nam đã 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, tăng mức thuế suất từ 55 – 65% (2008); tăng từ 65 – 70% (2016) và tăng từ 70 – 75% (2019).
Nhưng với mức tăng thuế suất thấp (5 – 10% với mỗi lần tăng), cơ sở tính thuế dựa trên giá xuất xưởng thấp và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế tương đối dài, nên mức tăng giá thuốc lá do tăng thuế là không đáng kể.
ThS BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho hay theo kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành Việt Nam, giai đoạn 2015-2020, với hai lần tăng thuế thì tỉ lệ sử dụng thuốc lá chung chỉ giảm 0,8%.
Tỉ lệ hút thuốc ở nam giới cũng chỉ giảm 3%. Mức giảm này không đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc lá của nam giới trưởng thành ở Việt Nam xuống 39% vào năm 2020, trong chiến lược quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020.
Thêm vào đó, do mức gia tăng thu nhập bình quân đầu người hằng năm cao hơn mức tăng giá thuốc lá đã làm cho sức mua thuốc lá ngày càng tăng.
Theo phân tích của WHO dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 – 2022 thu nhập đầu người tăng 203% (từ 31,5 triệu đồng lên 95,6 triệu đồng) trong khi giá thuốc lá (nhãn hiệu phổ biến nhất) chỉ tăng 56% (từ 14.000 đồng lên 21.900 đồng/bao).
Phân tích cho thấy thuốc lá ở nước ta ngày càng rẻ hơn so với thu nhập nên dễ mua hơn.
ThS BS Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng xu hướng giảm giá thực của thuốc lá và sức mua của thuốc lá tăng theo thời gian là vấn đề rất đáng lo ngại, vì nó làm tăng khả năng tiếp cận thuốc lá của người dân, đặc biệt đối với giới trẻ và người nghèo.
“Do đó, thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải tăng đủ lớn và tăng thường xuyên để có được tác động hiệu quả đối với giảm tiêu dùng. Bổ sung thuế tuyệt đối và chuyển đổi sang phương thức áp thuế hỗn hợp đối với thuốc lá là hết sức cần thiết, nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng”, ông Lâm nhấn mạnh.