Đến chiều tối hôm qua (23-8), Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên án xong đối với 254 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm và các đơn vị có liên quan.
Phiên tòa kết thúc sớm hơn dự kiến 1,5 tháng
Theo đó, hội đồng xét xử tuyên phạt ông Trần Kỳ Hình (cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) 19 năm tù về tội nhận hối lộ, 6 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tổng hình phạt chung là 25 năm tù.
Còn ông Đặng Việt Hà (cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) 19 năm tù về tội nhận hối lộ. Đối với 252 bị cáo còn lại, hội đồng xét xử tuyên các mức án từ 1 năm tù (cho hưởng án treo) đến 30 năm tù về các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tham ô tài sản…
Như vậy phiên tòa đã kết thúc sớm hơn dự kiến hơn 1,5 tháng (kế hoạch phiên tòa từ ngày 18-7 đến 18-10).
Về việc này, đại diện Tòa án nhân dân TP.HCM cho biết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội giống như cáo trạng mà viện kiểm sát đã truy tố, hội đồng xét xử đã nỗ lực làm việc cả vào ngày cuối tuần và sự phối hợp với trại tạm giam T30 (Công an TP.HCM) để tổ chức phiên tòa trực tiếp kết hợp kết nối đường truyền đến T30.
Trong quá trình xét xử, hội đồng xét xử đã tạo điều kiện và đảm bảo cho tất cả các bị cáo cũng như luật sư thực hiện đầy đủ các quyền của mình.
Một số bị cáo cũng đã thực hiện khắc phục triệt để hậu quả của vụ án. Đồng thời, căn cứ vào diễn biến, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, hội đồng xét xử đã có sự phân hóa trách nhiệm cho các bị cáo khi lượng hình.
Trong đó, các bị cáo là lãnh đạo cục đăng kiểm, chịu trách nhiệm chính phải chịu mức án nghiêm khắc. Đối với nhóm bị cáo là đăng kiểm viên, người làm thuê, hội đồng xét xử đã quyết định mức án phù hợp tương xứng với vai trò, vị trí của các bị cáo này.
Hành vi phạm tội của hai cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam ra sao?
Nhận định trong phần tuyên án, hội đồng xét xử kết luận từ năm 2019, xuất phát từ chủ trương của lãnh đạo Cục Đăng kiểm đến lãnh đạo phòng, ban; các trung tâm đăng kiểm khối V; chi cục đăng kiểm (thuộc Cục Đăng kiểm); các trung tâm đăng kiểm tư nhân khối D, từ đó các bị cáo đã thống nhất nhận tiền hối lộ từ các tổ chức, cá nhân mang phương tiện đến đăng kiểm để thực hiện hành vi trái quy định pháp luật.
Hành vi phạm tội của bị cáo là bỏ qua lỗi của các phương tiện để đăng kiểm đạt, cấp thông báo đủ năng lực trái quy định pháp luật cho các đơn vị đóng tàu… để nhận hối lộ.
Ông Trần Kỳ Hình trong thời gian giữ chức vụ cục trưởng Cục Đăng kiểm đã không thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, thiếu kiểm tra chỉ đạo cấp dưới, đã để xảy ra tiêu cực có hệ thống trong thời gian dài gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vì vụ lợi cá nhân, ông Trần Kỳ Hình đã nhận hối lộ với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng.
Ngoài ra, ông Hình còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp theo quy định, tạo điều kiện cho các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoạt động trái pháp luật.
Sau khi ông Trần Kỳ Hình nghỉ hưu, ông Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm cục trưởng. Sau khi trở thành cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Hà đã không thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, buông lỏng kiểm tra giám sát, để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong hệ thống suốt thời gian dài.
Ông Hà còn chỉ đạo cấp dưới là các lãnh đạo phòng, lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm phải nâng mức hưởng lợi của cá nhân ông Hà đối với số tiền tiêu cực, hối lộ mà cán bộ Phòng kiểm định xe cơ giới, các trung tâm đăng kiểm nhận được cho ông Hà phải là cao nhất.
Do đó, ông Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ của Phòng kiểm định xe cơ giới giai đoạn từ ngày 1-8-2021 đến 30-9-2022 là 31,1 tỉ đồng và số tiền nhận hối lộ của 4 trung tâm đăng kiểm khối V tại TP.HCM là 7,6 tỉ đồng, số tiền nhận hối lộ của 5 trung tâm đăng kiểm khối V tại TP Hà Nội là 780 triệu đồng và số tiền hối lộ của các giám đốc trung tâm đăng kiểm khối D là 680 triệu đồng.
Tổng số tiền nhận hối lộ là 40,2 tỉ đồng.