Ngày 12-7, tại trường Đại học Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long), đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam, phối hợp cùng trường Đại học Cửu Long tổ chức hội nghị tổng kết đào tạo và quản lý lưu học sinh Lào đang theo học tại Việt Nam năm học 2023-2024, và triển khai phương hướng, nhiệm vụ đào tạo năm học 2024-2025.
Đào tạo lưu học sinh tất cả cấp bậc
Dự hội nghị có ông Phankhavong Samlane – thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào; ông Khamtanh Somvong – tham tán Giáo dục Văn hóa Đại sứ quán Lào tại Việt Nam; các tổng lãnh sự quán Lào tại TP Đà Nẵng và TP.HCM.
Phía Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam có Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, lãnh đạo Cục Hợp tác Quốc tế và đại diện hơn 50 trường đại học, học viện cả nước có nhiều lưu học sinh Lào theo học.
Theo ông Khamtanh Somvong, năm học 2023-2024 có 10.190 lưu học sinh Lào đang theo học tại các cơ sở giáo dục Việt Nam. Du học sinh Lào tập trung chủ yếu ở lĩnh vực hành chính, an ninh và quốc phòng.
Trong thời gian qua, các cấp chính quyền, các bộ, ban, ngành, các trường của Việt Nam đã giúp đỡ tận tình về mặt vật chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu học sinh Lào nghiên cứu học tập.
Các lưu học sinh Lào đã nhiệt tình học tập, rèn luyện chăm chỉ và quyết tâm học tập, vượt qua trở ngại. Ông đề nghị các cơ sở đào tạo Việt Nam tăng kiểm tra đầu vào, đánh giá lại kiến thức và xem xét lưu học sinh Lào giống như sinh viên Việt Nam.
Ngoài ra, tuyển chọn người có khả năng và kiến thức thật sự, có đạo đức và đủ điều kiện. Bộ Giáo dục hai nước cùng cải cách, nâng cao chương trình giảng dạy tiếng Việt cơ bản cho lưu học sinh trước khi sang Việt Nam.
Còn một số tồn đọng, khó khăn
Bà Thongmy Duansakda – quyền Vụ trưởng Vụ Công tác Sinh viên, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào – cho biết trong thời gian qua rất nhiều cho sinh viên, lưu học sinh và cán bộ Lào đi học tại hơn 40 quốc gia. Nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia đào tạo cho sinh viên, cán bộ và lưu học sinh Lào nhiều nhất trên thế giới.
“Tôi mong muốn các cơ sở giáo dục Việt Nam tăng cường cung cấp thông tin tuyển sinh, ngành đào tạo để các em học sinh, sinh viên có thể tìm hiểu kỹ trước khi sang học tập ngày càng nhiều hơn”, bà nói.
Đại diện nhiều cơ sở giáo dục trong nước cũng nêu ra một số vướng mắc, khó khăn còn tồn đọng. Như việc phân bổ tài chính của hiệp định, quản lý hồ sơ lưu học sinh, phí Visa, phí thị thực và việc cấp bảo hiểm y tế, rào cản ngôn ngữ…
Ông Nguyễn Hải Thanh – phó cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và đào tạo – cho biết việc phân bổ tài chính cho hiệp định đào tạo lưu học sinh phải được Chính phủ thông qua. Tháng 6 vừa rồi mới có quyết định phân bổ kinh phí, do đó các trường gặp khó khăn. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành để giải quyết sớm.
“Về phí Visa và thị thực, bộ đã làm việc và đã giải quyết với cơ quan chức năng liên quan. Riêng phí Visa với các trường hợp ngoài hiệp định thì và bảo hiểm y tế, bộ tiếp tục làm việc với bộ khác để xin cơ chế đặc biệt”, ông Thanh giải đáp.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Văn Phúc lưu ý trình độ tiếng Việt cho các sinh viên Lào học chuyên ngành yêu cầu phải đạt chứng chỉ B2 theo khung năng lực 6 bậc. Các cơ sở giáo dục khi tiếp nhận cần kiểm tra năng lực tiếng Việt phù hợp.
Bộ đã kiến nghị nâng mức chi đào tạo cho lưu học sinh Lào với mức tăng 30% hệ dài hạn, 40% hệ ngắn hạn, và sẽ tiếp tục kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại trong quản lý, đào tạo…
“Tôi tha thiết kêu gọi các trường cung cấp nhiều hơn các suất học bổng cho lưu học sinh Lào. Tôi cũng tin tưởng rằng việc đào tạo nguồn nhân lực cho Lào trong giai đoạn tới sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đạt được những kết quả tốt đẹp, đáp ứng được kỳ vọng của hai nước”, ông Phúc nhấn mạnh.
Ông Phankhavong Samlane – thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào – đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Đảng, Chính phủ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục đào tạo lưu học sinh Lào vì đã luôn dành sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho lưu học sinh trong quá trình học tập. Qua đó giúp Lào đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.