Sáng 21-7, Trường đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng cho 32 cử nhân khóa đầu tiên và 36 tân thạc sĩ khóa VII.
Giữa nhiều người trẻ, có một học viên U70 say sưa kể về niềm đam mê tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Ông là Kato Mitsuru (quốc tịch Nhật Bản), tân thạc sĩ Khu vực học định hướng Việt Nam học.
Vì yêu văn hóa Việt Nam nên trở lại Việt Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Kato Mitsuru, cho biết trước khi học thạc sĩ tại Việt Nam, ông từng có 7 năm làm việc tại Việt Nam. Lần đầu tiên ông đến Việt Nam đến Việt Nam là năm 2004 và sống hai năm liên tục từ 2008 đến 2009.
Ông cũng từng là thành viên trong một câu lạc bộ xe đạp, đã đạp xe đến hơn 20 địa danh nổi tiếng của Việt Nam như Sa Pa, Y Tý, Chùa Hương, đền Hùng…
“Tôi đã sinh sống và làm việc tại rất nhiều quốc gia, Việt Nam là nơi cuối cùng đến công tác trước khi nghỉ hưu và phát hiện rất thích Việt Nam. Văn hóa Việt Nam trọng tình cảm gia đình, rất giống văn hóa Nhật Bản, tôi thấy rất gần gũi, thấy rất hợp với mình”, ông Kato nói.
Theo ông Kato, từ năm 2008 ông bắt đầu học tiếng Việt tuy với ông tiếng Việt rất khó, nhất là phần phát âm.
Năm 2022, sau một năm về hưu, ở tuổi 61, ông Kato quyết định đăng ký học chương trình thạc sĩ Khu vực học định hướng Việt Nam học của Trường đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Trong lớp là học viên lớn tuổi nhất, nói tiếng Việt yếu nhất, thế nhưng ông Kato cho biết không cảm thấy xấu hổ, trái lại rất vui vẻ vì được học cùng những người trẻ sẽ có thêm nhiều năng lượng, động lực cố gắng.
“Mình già gần hết năng lượng rồi lại được học cùng các bạn trẻ, được tiếp năng lượng từ người trẻ Việt Nam. Người trẻ thông minh, nắm bắt thông tin, kiến thức nhanh, khi học cùng tôi học thêm được sự cố gắng của họ trong học tập”, ông Kato hóm hỉnh cười nói.
Ông Kato nhớ lại, những ngày đầu vào học, dù đã nghe và viết được tiếng Việt tốt nhưng rào cản ngôn ngữ vẫn là một trở ngại rất lớn. Ông kể: “Có giáo sư Việt Nam nói rất nhanh đến nỗi vì không thể nghe kịp có khi bị “lạc” kiến thức”.
“Tiếng Việt phải phát âm rõ ràng, phải nhấn nhá – điều này rất khó, nhất là khi phải đứng trước lớp thuyết trình”, ông Kato cho biết đây cũng là lý do đến thời điểm hiện tại ông vẫn chưa nói tiếng Việt giỏi, dù nghe và viết rất rành.
Luận văn thạc sĩ về người lao động Việt Nam tại Nhật Bản
Không chỉ gây ấn tượng mạnh trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp khi đứng giữa một dàn bạn trẻ gen Z nhận bằng thạc sĩ, trước đó, ông Kato đã gây ấn tượng đặc biệt với hội đồng khi bảo vệ luận văn tốt nghiệp thạc sĩ.
Ông Kato lựa chọn nghiên cứu về chủ đề “Thực trạng của lao động theo hợp đồng người Việt Nam ở Nhật Bản hiện nay và các yếu tố ảnh hưởng”.
Thách thức nhất đối với ông là phải viết luận văn bằng tiếng Việt, tuy nhiên sau nhiều cố gắng luận văn đã hoàn thành.
Bằng phương pháp tiếp cận kết hợp giữa phỏng vấn sâu, phân tích văn bản và những quan sát dựa trên kinh nghiệm của bản thân, ông Kato đã cho thấy các lao động hay thực tập sinh kỹ năng Việt Nam ở Nhật là nhóm dễ chịu tổn thương.
Họ cũng là những người bị bóc lột và gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân, nguyên nhân một phần cũng do khả năng ngôn ngữ (tiếng Nhật) giới hạn.
Chính vì vậy, trong phần đề xuất của mình, ông Kato đã nhấn mạnh: các cơ quan hữu trách của cả Việt Nam và Nhật Bản nên có những chương trình phù hợp nhằm giúp thực tập sinh kỹ năng Việt Nam cải thiện năng lực tiếng Nhật.
Đồng thời, yêu cầu các công ty dịch vụ phái cử lao động sang Nhật Bản nên điều chỉnh mức chi phí sao cho phù hợp với quy định của Pháp luật Việt Nam và không tạo gánh nặng tài chính cho người lao động.
Hay chính phủ Nhật Bản có thể thảo luận với những doanh nghiệp thuê lao động Việt Nam về khả năng chi trả 100% chi phí dịch vụ cho công ty dịch vụ phái cử từ Việt Nam.
“Tôi đã hơn 60 tuổi, đã nghỉ hưu, việc tôi đi học về văn hóa Việt Nam là để thu nạp kiến thức, thêm hiểu biết và thỏa niềm yêu thích văn hóa Việt Nam cho chính mình.
Và nếu có thể, tôi muốn thành lập một công ty để hỗ trợ học sinh, người lao động Việt Nam khi sang Nhật Bản học tập, làm việc và ngược lại; tôi muốn trở thành cầu nối giữa hai bên.
Còn thời điểm hiện tại, tôi mong muốn sẽ tiếp tục học lên tiến sĩ ngành Việt Nam học hoặc Nhật Bản học”, ông Kato nói về dự định.
Biến “đặc biệt” thành quyết tâm
GS.TSKH Vũ Minh Giang, chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), giám đốc chương trình thạc sĩ khu vực học cho hay, ông Kato là một học viên khá đặc biệt của chương trình Khu vực học, vì khi vào học tuổi tương đối cao (61 tuổi).
Thứ hai, ông Kato rất nhiệt tình nghiên cứu Việt Nam, chủ đề ông Kato quan tâm cũng khá đặc biệt “nghiên cứu về người Việt đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản”.
Theo ông Giang, những điều đặc biệt ấy đã giúp ông Kato biến thành quyết tâm trong học tập.
“Lúc đầu tôi cũng lo lắng vì tiếng Việt của ông Kato sẽ rất khó khăn, sau thời gian 2 năm tất cả các khó khăn đều đã vượt qua khi ông Kato đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với chất lượng được đánh giá tương đối tốt”, ông Giang nói.
Theo ông Giang, khi ông Kato bảo vệ luận văn thạc sĩ, ông Giang đã đặt câu hỏi, “sau khi bảo vệ luận văn thạc sĩ xong kế hoạch tiếp theo của anh là gì?”.
“Kato trả lời sẽ tiếp tục học tập tại Việt Nam với mong muốn có thể góp phần sức nhỏ của mình vào việc cải thiện những điều kiện lao động cho các bạn du học sinh, người Việt Nam sang Nhật học tập và lao động”, ông Giang kể.