Thực ra chuyện khởi nghiệp khi qua tuổi xế chiều cũng không thiếu dù không phải ai cũng dám chấp nhận thử thách. Với ông chủ thương hiệu quần lót Erics Đinh Doãn Phi Hải, khởi nghiệp lại như lẽ đương nhiên vì “còn sống là còn làm việc và phải sáng tạo”.
Mua máy may trả góp, thành ông chủ 200 công nhân
Ông kể mình sinh ra ở Đà Lạt, lớn lên trong gia đình nghèo khó nên đã quen miệt mài lao động từ bé. Một mình, ông từng nhảy xe đò xuống Sài Gòn học cách làm đường mía rồi ngược về quê, tự đứng ra thu mua mía của bà con khi chưa đầy 18 tuổi.
Vì đi trước nên không bao lâu sau đó ông đã làm chủ nhà máy mía đường cũng tầm cỡ thời đó của tỉnh Lâm Đồng. Được đà, ông Phi Hải lao vào đời kiếm tiền từ đủ mọi ngành nghề.
Từ cơ sở mía đường, ông lấn qua luyện kim rồi lâm nghiệp, ai mua gì ông bán đó. Ông bảo may mà đều suôn sẻ nên những lần khởi nghiệp ấy giúp ông có đến vài trăm cây vàng.
“Nhưng rồi mất hết, trắng tay sau một vài lần đầu tư không đâu vào đâu. Năm đó tôi vừa tròn 35”, ông Phi Hải nhớ lại.
Trắng tay tuổi 35, chỉ còn lại ý chí, ông lần mò vào TP.HCM để mưu sinh. Từ một người tiền đếm không xuể nay làm công nhân mò mẫm từng đường kim mũi chỉ nhưng ông bảo “phải làm chứ, bước đường cùng rồi”.
Khi đã may đủ lâu, ông nhận ra thị trường may mặc tại TP.HCM thời điểm đó chưa ai làm đồ lót nam. Khao khát làm chủ trỗi dậy, ông tìm đến chợ Nhật Tảo (quận 10) mua chiếc máy may trả góp theo tuần.
Tự đi tìm nhập vải, ông may đồ lót nam rồi bỏ mối cho thương lái khắp thành phố. “Chính mình cũng bất ngờ khi sản phẩm của mình vừa chào hàng nhưng rất đắt khách. Mối lái khắp nơi gọi tới, tôi lấy tên Erics đặt cho thương hiệu đồ lót của mình”, ông Hải kể.
Từ chiếc máy may trả góp đầu tiên, ông phải tìm thuê công nhân, mở rộng xưởng mới kịp đơn hàng. Có thời điểm nhà may của ông rộng đến hơn 2.500m2 tại huyện Củ Chi với hơn 200 lao động toàn thời gian. Sản phẩm Erics phủ sóng từ Cà Mau đến Đà Nẵng.
Bước ngoặt sức khỏe và lần khởi nghiệp lại
Nhiều năm trước, ông Hải đã bàn giao toàn bộ cơ ngơi cùng thương hiệu đồ lót Erics cho bà xã quản lý. Có nhiều lý do, song phải thừa nhận Erics không thể độc chiếm thị trường đồ lót như trước, mà phải chấp nhận chia miếng bánh với vô vàn thương hiệu trong và ngoài nước.
Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không chỉ giá hay chất lượng mà có cả cuộc đua chi tiền làm truyền thông và thương hiệu. “Nhưng tôi không nghỉ đâu nha! Còn sống mà không làm việc, không được sáng tạo thà chết còn hơn”, ông phì cười.
Ông vừa dứt cũng là lúc chúng tôi đi bộ đến cửa trụ sở cũng là nhà xưởng Công ty TNHH vật tư thiết bị y tế POLARIS trên đường Bình Thới (quận 11) của ông. Cầm chiếc đai hỗ trợ đầu gối Polaris, ông bắt đầu say mê giới thiệu về nó.
Ông được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày, phải dùng phương pháp ăn uống thuần chay, thể dục, đạp xe. Trong một lần gồng mình chịu đựng cơn đau xương bánh chè đầu gối khi đang đạp xe, ý tưởng về chiếc đai bó gối lóe lên trong đầu.
Ông lại tâm huyết khởi nghiệp lại ở cái tuổi chạm ngưỡng U70. Là vì tìm mua thì hầu như thị trường chỉ là sản phẩm nhập khẩu, giá rất đắt nên ông hạ quyết tâm phải làm bằng được, xem như khởi nghiệp tiếp.
Dù lăn lộn với may mặc song khởi đầu với đai hỗ trợ đầu gối Polaris cũng trầy da tróc vảy. Chiếc đai với khoanh tròn đệm chính giữa đai ôm gọn đầu gối thoạt nhìn có vẻ dễ nhưng để may cho ra dáng ra hình lại khó vô cùng.
Đủ mọi công đoạn và qua nhiều lần cải tiến, đai hỗ trợ đầu gối Polaris thành hình. Ông sử dụng và thấy ổn với đoạn đường đạp xe đều đặn 40km/ngày của mình.
Nhưng lúc đó ông chưa dám thương mại hóa sản phẩm vì “bán là lỗ ngay, bởi khá mất thời gian để làm ra chiếc đai do nhiều công đoạn”. Mà tăng giá thì làm sao cạnh tranh với hàng nhập ngoại vốn đã có thương hiệu.
Nhiều người thân ngăn ông dừng lại. Ông nghe và tôn trọng hết góp ý song đã có quyết định. Ông chi tiền tỉ nhập máy may tự động, máy cắt bằng tia laser cho lần khởi nghiệp lại này.
Giá tương đương 1/4 sản phẩm cùng loại trên thị trường
Thấy cao su non gây khó trong việc tạo hình, ông mạnh dạn thay bằng sợi vải tổng hợp. Chính việc đổi nguyên liệu cao su non thành sợi vải tổng hợp giúp đai đeo có nhiều lỗ thoáng khí và đảm bảo giữ đủ nhiệt (làm ấm cơ bắp và tăng lưu thông máu), giảm áp lực lên xương bánh chè…
Ông cũng thay luôn khóa cố định của chiếc đai thành băng dính gai nên đã giải quyết được chuyện kích cỡ. Hiện giá mỗi đôi đai hỗ trợ bó gối Polaris của ông Hải có giá khoảng 100.000 đồng, bằng 1/4 giá các dòng sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường.
Coffee Talk của Tuổi Trẻ Start-up Award 2024: Cách chấm giải đặc biệt
Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 do báo Tuổi Trẻ và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức, phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).
Hội đồng thẩm định sẽ tiếp xúc và kết nối với start-up qua hình thức chấm giải đặc biệt Coffee Talk. Những start-up sáng giá sẽ được vinh danh trong gala dự kiến tổ chức vào tháng 11-2024.
Top 20 start-up được chọn vào chung kết sẽ được hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, Ngân hàng ACB, Volvo, KN Group, Dai-ichi Life Việt Nam, An Hòa, Faslink, Ecco Golf Vietnam, Tín Nghĩa…
Trong đó giải đặc biệt (100 triệu đồng) từ ban cố vấn chương trình là ông Phạm Phú Ngọc Trai – chủ tịch PRO Vietnam.