Theo quy định, xe không được phép cắt qua vạch xương cá (vạch chữ V), trừ các trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ.
Đè vạch xương cá sẽ bị xử phạt
Theo quy định, xe không được phép cắt qua vạch xương cá (vạch chữ V), trừ các trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ như xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu.
Hoặc xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang.
Như vậy, xe không thuộc các trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ mà chạy cắt qua vạch chữ V là vi phạm.
Mức xử phạt theo quy định tại nghị định 100/NĐ-CP ngày 30-12-2019, được sửa đổi bổ sung bởi nghị định 123/NĐ-CP ngày 28-12-2021, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.
Theo đó, phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng đối với người lái xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường (trừ các hành vi vi phạm khác quy định tại điều 5 của nghị định).
Mức phạt đối với người lái xe ô tô sẽ tăng lên từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu lái xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 – 10km/h.
Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng đối với người lái xe mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện) thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường (trừ các hành vi vi phạm khác quy định tại điều 6 của nghị định).
Mức phạt đối với người lái xe mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện) sẽ tăng lên từ 300.000 – 400.000 đồng nếu lái xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến dưới 10km/h.
Vạch xương cá được kẻ ra sao?
Theo thông tư 54/2019 ban hành ngày 31-12-2019 quy định ban hành kèm quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ mã số đăng ký QCVN 41:2019, về nguyên tắc chung sử dụng các loại vạch như sau: tại các mũi đảo tách làn hoặc nhập làn có thể bố trí vạch sơn chữ V trên phần diện tích mặt đường giới hạn bởi các đường mép kéo dài từ các cạnh của đảo.
Các vạch chữ V (vạch 4.2) được vẽ song song mỗi vạch rộng 45cm, khoảng cách hai mép vạch rộng 100cm, vạch chữ V được đặt sao cho cạnh chữ V xuôi chiều với hướng chuyển động của xe và hợp với hướng xe chạy một góc 45o.
Vạch xác định phạm vi kẻ vạch chữ V là vạch liền nét, màu trắng, bề rộng vạch 20cm (vạch 3.1).
Vạch phân cách giữa làn xe cơ bản và làn xe chuyển tốc; hoặc vạch phân cách, kênh hóa các làn xe trong khu vực tách và nhập làn tùy từng trường hợp mà có thể sử dụng vạch liền nét, màu trắng, bề rộng vạch 45cm (vạch 3.2).
Hoặc sử dụng vạch đứt nét, màu trắng, bề rộng vạch 45cm, khoảng cách nét đứt L1 = 300cm; khoảng cách nét đứt L2 = 300cm (vạch 3.3).
Phản hồi đến Tuổi Trẻ Online, bạn đọc Hoàng Xích Lô chia sẻ: “Thực tế gặp vạch xương cá trên đường, chỉ có ô tô là tuân thủ, còn đối với xe máy thì cứ chạy bình thường.
Điều vô lý ở đây là xe muốn rẽ trái bắt buộc phải lấy ra lấy vào ở trước giao lộ đông đúc rất nguy hiểm”.
“Vạch xương cá không phù hợp với tình trạng giao thông ở các đô thị Việt Nam vì mật độ phương tiện giao thông nhiều và đường sá chật hẹp! Khi xe chuyển làn để tránh vạch xương cá rất dễ xảy ra va chạm và gây ùn tắc giao thông” – bạn đọc Trần Đăng Hiến nêu ý kiến.
Còn tài khoản thng****@gmail.com viết: “Đường sá trong thành phố đã nhỏ mà áp dụng vạch xương cá thì càng làm ùn tắc giao thông. Đề nghị cơ quan chức năng tìm biện pháp khác thay cho vạch xương cá”.