Mấy ngày qua, đã có nhiều bài viết, nhiều câu chuyện, sẻ chia, hoài cảm về GS Xuân đáng kính từ những góc nhìn khác nhau. Đặc biệt, có rất nhiều người dân dù đã gặp thầy hay chưa, họ đều nhận ra hình ảnh thân quen của thầy, hiểu biết về thầy, nhất là những người nông dân miền Tây, bởi sự gần gũi, nhiệt huyết, tận tâm trong công việc gắn với lợi ích của họ.
Nhân cách, phong thái gần gũi, chân tình
Tôi không phải là học trò của thầy ở trường học, nhưng không ít lần được làm thư ký các hội đồng khoa học giúp việc thầy, sau này được làm việc chung hay như lần chia sẻ cuối cùng cách đây hơn tháng, trước khi thầy đi chữa bệnh. Có điều kiện gần thầy trong công việc, tôi càng quý trọng thầy, không chỉ kiến thức khoa học, thực tiễn uyên bác mà chính từ nhân cách, phong cách gần gũi, chân tình, dễ mến.
Đối với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (2003-2017) – nơi mà tôi có thời gian dài gắn bó, GS Võ Tòng Xuân là một trong những nhà khoa học thường xuyên có nhiều tư vấn, góp ý, gợi ý.
Các ý kiến của ông được ghi nhận, tiếp thu qua các quyết sách của lãnh đạo Trung ương trong việc xác định 3 khâu đột phá phát triển vùng ĐBSCL (giao thông, thủy lợi, nguồn nhân lực), việc xác định các sản phẩm chủ lực vùng (lúa gạo, trái cây, thủy sản), cơ chế, chính sách về liên kết vùng hay các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ông cũng là người đề cập nhiều đến các vấn đề nóng bỏng xảy ra trong vùng và gợi ý các giải pháp trọng tâm cần giải quyết, không chỉ dưới góc nhìn của một nhà khoa học mà bằng những trải nghiệm thực tiễn của một người đồng bằng.
Thị trường cần loại nào, lúa thường, chất lượng cao, hay lúa hữu cơ thì chọn loại giống đó và sản xuất theo quy trình để đảm bảo cung cấp đúng chất, đủ lượng đáp ứng nhu cầu khách hàng. Yêu cầu đơn giản đó ai cũng biết, nông dân cũng biết, không phải chỉ chuyên gia, nhà kinh tế hiểu rõ quy luật cung – cầu mới biết. Nhưng tại sao nông dân vẫn rơi vào tình trạng “lệch pha” trong sản xuất?
Nông dân cần sự dẫn dắt của nhà đầu tư, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của nhà khoa học và kiến tạo của Nhà nước để tìm mới trong câu chuyện cũ. Thiếu một đảm bảo chắc chắn cho chất lượng gạo, thương hiệu gạo, sản xuất lúa trong điều kiện mù thông tin thị trường, chưa biết bán cho ai chính là cái vòng luẩn quẩn của nông dân đi tìm giá trị mới trong câu chuyện cũ.
Chẳng những cần thay đổi tư duy, mà còn cần chuyển từ quyết tâm chính trị sang bài toán kinh tế cho nông nghiệp, cần một hệ điều hành “thích ứng” cho ngành lúa gạo, tham khảo cách thức tổ chức Hội đồng lúa gạo quốc gia của Thái Lan để áp dụng phù hợp trong điều kiện Việt Nam… là những vấn đề ta đang làm, còn bàn, nhưng GS Xuân đã đề cập từ nhiều năm trước.
Có thể nói sự phát triển của vùng ĐBSCL, nền nông nghiệp Việt Nam gần nửa thế kỷ qua có dấu ấn của GS.TS Võ Tòng Xuân trong vai trò một nhà giáo, nhà khoa học, người chuyển giao công nghệ, khoa học đất và tài nguyên nước, người xây dựng hệ thống canh tác nông nghiệp, lai tạo các giống lúa.
Miệt mài làm việc đến ngày cuối đời
GS.TS Võ Tòng Xuân là một tấm gương nhiệt huyết với công việc. Dù đã lâm trọng bệnh 2 năm trước, nhưng khi có thể, ông vẫn làm việc, miệt mài, ngay cả đến những ngày cuối đời. Chỉ cách đây hơn tháng, trước khi từ Cần Thơ lên TP.HCM, rồi sang Singapore chữa bệnh, thầy còn cùng tôi tham gia chương trình tọa đàm của Truyền hình Quân đội “Bên dòng Cửu Long” với chủ đề “An ninh nguồn nước”.
Không ngờ đó là lần gặp, làm việc chung cuối cùng tôi được học việc từ thầy.
Để nông dân giàu lên – tên một quyển sách chọn lọc các bài báo của GS.TS Võ Tòng Xuân gần 10 năm trước cũng như câu nói của Bác Hồ mà ông nhiều lần nhắc: “Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” còn là mong ước. Nhưng tôi nghĩ giáo sư cũng có quyền an nhiên nằm lại ở quê nhà Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang, một vùng quê miền Tây Nam Bộ để vui vẻ “cày xong thửa ruộng”.
Còn những thửa ruộng khác để nông dân giàu lên rất cần sự tiếp bước, tiếp sức của bao người. Nay trước linh cữu thầy, tôi xin làm cây lúa cúi đầu đưa tiễn một người tài, người hiền.
Tác giả của nhiều mô hình
Không chỉ làm thầy, GS.TS Võ Tòng Xuân còn học nông dân và làm cho những kiến thức bản địa của nông dân miền Tây giá trị hơn khi kết hợp với kiến thức khoa học, công nghệ và thị trường qua các mô hình nhân rộng các giống lúa Thần Nông, kháng rầy, nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, lúa – tôm, lúa – tôm – rừng hay hình mẫu trường học trên đồng (farmer field school) từ cuối thập niên 1970 – một cách thức đào tạo, chuyển giao kiến thức nông nghiệp được áp dụng rất thành công ở Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan vào những năm 1980.
Ngày nay, người ta cũng thấy mô hình “cùng nông dân ra đồng” ở những cánh đồng lớn và cũng là cách thức đang triển khai trong chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
4 câu nói người nông dân nhớ mãi
Ngày 20-8, lẫn trong dòng người đông đúc đến viếng GS.TS Võ Tòng Xuân, có không ít người nông dân chân lấm tay bùn. Họ đến với bao niềm cảm xúc, bao câu chuyện không bao giờ kể được hết về vị giáo sư đã dành cả đời cho nền nông nghiệp.
Tức tốc chạy từ Sóc Trăng lên TP Cần Thơ và túc trực bên linh cữu giáo sư Xuân, ông Ngô Minh Giàu (62 tuổi, ngụ ấp Mỹ Lợi, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) – giám đốc HTX nông nghiệp Năm Giàu – khẳng định cả cuộc đời này ông luôn khâm phục, khắc ghi mãi 4 câu nói của giáo sư.
“Thầy nói: cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại, tự cao là thất bại, nhẫn nại mới thành công”, ông Giàu tâm sự.
Ông Giàu và GS.TS Võ Tòng Xuân bén duyên và biết đến nhau từ gần 10 năm trước, khi giáo sư đến dự hội thảo ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Lúc đó, ông Giàu mới trồng thanh nhãn, ông đem trái nhãn tới hội thảo để giới thiệu.
“Lúc ban đầu, gặp thầy giữa chúng tôi chưa trao đổi gì với nhau hết. Nhưng bữa đó, thầy có ăn trái thanh nhãn của tôi, thầy mới tìm xin số điện thoại của tôi. Khoảng một năm sau, thầy qua tới tận Nông trường Sông Hậu để tìm tôi, xem mô hình trồng thanh nhãn.
Thầy mở luôn cho bà con chúng tôi một cái hợp tác xã. Rồi từ đó, thầy trò mới gắn bó nhau nhiều hơn. Đi thăm mô hình làm nông nghiệp ở đâu thầy cũng rủ đi theo, thầy kết nối để tôi mở rộng cho nhiều hợp tác xã khác.
Bà con yêu cầu cây giống, kỹ thuật thì tôi hướng dẫn cho bà con. Thầy muốn bà con cùng có thu nhập tốt, nói chung bản tánh của thầy rất tuyệt vời. Thầy sống là thầy muốn tất cả nông dân phải phát triển”, ông Giàu nhớ lại.
Cùng 20 bạn bè có mặt tại tang lễ GS.TS Võ Tòng Xuân từ rất sớm, ông Hứa Chu Khun (73 tuổi), học trò cũ của giáo sư vào thời điểm năm 1972, xúc động nói: “Giáo sư Xuân dạy chúng tôi rất nhiều môn, chủ yếu về cây lúa. Trong suốt quá trình học, thầy luôn quan tâm, dạy dỗ rất tâm huyết. Thầy thanh thản ra đi, học trò các thế hệ mãi mãi nhớ thương thầy”.
Còn bà Trương Kim Ngân (49 tuổi) – chuyên viên khoa ngoại ngữ Trường đại học Cần Thơ – xúc động chia sẻ bức ảnh chụp tại nhà thầy Xuân cách đây 27 năm. “Năm đó, mình còn là sinh viên của khoa sư phạm, được chính thầy hướng dẫn. Thầy rất uyên bác, phương pháp truyền đạt gần gũi, dễ hiểu”, bà Ngân nhớ lại.