Cụ thể, các văn bản giả mạo này có nội dung thông báo Sở Y tế tỉnh Tây Ninh sẽ đến kiểm tra an toàn thực phẩm ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm chức năng và những nơi bán lẻ thuốc tây. Điều này gây hoang mang cho các cơ sở kinh doanh.
Theo Sở Y tế tỉnh Tây Ninh, thời gian qua sở chỉ đạo và nghiêm cấm nhân viên trong ngành gọi điện thoại dưới mọi hình thức đến các cơ sở kinh doanh. Do đó, Sở Y tế khẳng định các cuộc gọi điện thoại tự xưng là Sở Y tế cùng một số văn bản có chữ ký của giám đốc, phó giám đốc đều là giả mạo.
Đồng thời việc giả mạo chữ ký với mục đích trục lợi bất chính, gây hoang mang là vi phạm pháp luật và cần phải có biện pháp xử lý triệt để.
Sở Y tế tỉnh Tây Nỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi gặp những cuộc điện thoại và được họ đưa ra các văn bản có chữ ký lãnh đạo giả mạo như đã đề cập ở trên thì liên hệ với số điện thoại 0909.089.097 (của thanh tra viên Thanh tra Sở Y tế tỉnh Tây Ninh Lê Minh Cảnh).
Hoặc người dân có thể liên hệ với công an địa phương gần nhất, UBND cấp huyện và trung tâm y tế để được hướng dẫn, tránh bị lừa đảo.
Gần đây, nhiều lãnh đạo và cựu lãnh đạo của Sở Y tế các tỉnh thành khác cũng bị kẻ gian giả mạo chữ ký. Ngày 30-9, một lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa chia sẻ kẻ mạo danh đã gọi điện cho một số cơ sở thực phẩm thông báo kiểm tra, yêu cầu cơ sở cung cấp tài khoản Zalo và gửi quyết định kiểm tra.
Đồng thời kẻ mạo danh đưa một số yêu cầu bắt cơ sở phải làm theo. Theo hồ sơ giả mạo, người ký quyết định là ông Bùi Xuân Minh, chức vụ phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, và quyết định được ký vào ngày 28-9-2024. Tuy nhiên thực tế ông Minh là giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa và đã nghỉ hưu từ ngày 1-7-2024.
Tương tự, nhiều tỉnh miền Tây như Long An, Bến Tre cũng xuất hiện rất nhiều văn bản giả mạo chữ ký với nội dung “Sở Y tế đi kiểm tra”. Ở TP.HCM, Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai… cũng có tình trạng trên với hình thức lừa đảo giống ở Khánh Hòa.
Giả mạo khắp nơi
Tối 30-9, ông Lê Quang Trung – giám đốc Sở Y tế Đồng Nai – cho biết thời gian qua đơn vị nhận được một số phản ánh của người dân về văn bản giả mạo chữ ký của lãnh đạo sở.
Cụ thể, các văn bản giả mạo chữ ký của giám đốc và các phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai với nội dung thông báo thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các nhà thuốc, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo ông Trung, các văn bản giả mạo chữ ký của lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai thông báo kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và bán lẻ thuốc tây là hoàn toàn không có giá trị pháp lý.
Ông Trung khẳng định Sở Y tế Đồng Nai không thực hiện bất kỳ cuộc gọi hay yêu cầu kiểm tra nào qua điện thoại.
Bên cạnh đó, ban giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cũng đã chỉ đạo trong toàn ngành nghiêm cấm dưới mọi hình thức gọi điện thoại đến các cơ sở kinh doanh ăn uống và nhà thuốc trên địa bàn. Vì vậy, các cuộc điện thoại tự xưng là của Sở Y tế Đồng Nai đều là giả mạo.
Ông Trung cảnh báo các nhà thuốc, cơ sở sở kinh doanh thực phẩm cần hết sức cảnh giác, kiểm tra thông tin đoàn kiểm tra.
Khi có dấu hiệu bất thường hoặc nhận được thông tin giả mạo, các cơ sở có thể gọi điện đến đường dây nóng của Sở Y tế hoặc các cơ quan y tế địa phương để xác minh và được hướng dẫn xử lý.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín – phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương – cho biết trong thời gian gần đây, có rất nhiều văn bản giả mạo chữ ký của giám đốc và các phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương.
Nội dung văn bản giả mạo thông báo đến kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và các cơ sở bán lẻ thuốc tây trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương khuyến cáo khi gặp các trường hợp điện thoại và trình các văn bản nghi giả mạo, mọi người nên liên hệ đường đây nóng của Sở Y tế Bình Dương, trung tâm y tế các huyện, thành phố để xác minh, tránh bị lừa đảo.
‘Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo trong toàn ngành, nghiêm cấm gọi điện thoại đến các cơ sở kinh doanh ăn uống và các cơ sở bán lẻ thuốc tây trên địa bàn toàn tỉnh. Nên các cuộc điện thoại xưng hô là cán bộ của Sở Y tế tỉnh Bình Dương đều là giả mạo’ – ông Chín cho biết.