Xuất ngũ với 120.000 đồng, cựu chiến binh biến quê nghèo thành khu du lịch sinh thái

Chương trình giao lưu Mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ – Ảnh: NAM TRẦN

Đây là hoạt động nằm trong chương trình của Đại hội thi đua cựu chiến binh gương mẫu lần thứ VII và kỷ niệm 35 năm Ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam được tổ chức từ ngày 3 đến 4-12 tại Hà Nội.

Tại chương trình, ban tổ chức đã giao lưu với nhiều cựu chiến binh điển hình tiên tiến trên cả nước, ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là những tấm gương cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi.

Xuất ngũ với 120 nghìn đồng, cựu chiến binh biến quê nghèo thành khu du lịch sinh thái - Ảnh 2.

Cựu chiến binh Hoàng Mạnh Ngọc chia sẻ về hành trình làm giàu cho vùng đất Cao Bằng – Ảnh: NAM TRẦN

Phát triển vùng quê nghèo nhờ cây chè hữu cơ và du lịch sinh thái

Xuất thân từ một gia đình đông con tại vùng quê nghèo ở Cao Bằng, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự cuối năm 1990, cựu chiến binh Hoàng Mạnh Ngọc khi ấy chỉ có vỏn vẹn 120.000 đồng, đến nay ông đã cùng người dân trong vùng sở hữu hàng chục héc ta chè hữu cơ và một khu du lịch nghỉ dưỡng.

“Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo với 8 anh em và hầu hết là quân nhân, sau khi xuất ngũ cuối năm 1990, trong tay chỉ có 120.000 đồng, tôi cũng phải làm qua rất nhiều việc từ xe ôm, bốc vác, làm thuê.

Sau đó tôi nhận ra vùng Phia Oắc, Phia Đén quê mình rất tiềm năng để làm về nông nghiệp sạch và du lịch. Tôi cùng người thân vận động người dân mở đường, kéo điện, khai hoang rừng để trồng chè hữu cơ”, ông Ngọc kể.

Ông Ngọc cũng cho biết hiện nhiều gia đình tại địa phương đã thoát nghèo, đời sống ổn định, khá giả hơn nhờ việc trồng chè sạch hữu cơ kết hợp du lịch cộng đồng.

“Hiện tại công ty của tôi với tổng 20ha chè và triển khai với các hộ dân là 30ha, cùng với đó là một khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái nằm ngay cạnh khu rừng Trần Hưng Đạo.

Mô hình của chúng tôi không làm cho riêng mình mà toàn bộ nhân lực địa phương cùng làm, đặc biệt là ưu tiên những gia đình khó khăn, gia đình các cựu chiến binh”, ông Ngọc thông tin thêm.

Tương tự ông Ngọc, ông Lưu Thanh Tuấn (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) xuất ngũ năm 1992, khi trong người chỉ có 1,2 triệu đồng. Ông bắt tay vào việc nuôi lợn, trồng thanh long và hiện tại cũng đã có cuộc sống khá giả hơn.

“Tôi xuất ngũ khi trong tay có 1,2 triệu đồng và đã dùng toàn bộ số tiền để mua 10 con lợn giống rồi vay thêm ngân hàng để mua thức ăn cho lợn.

Mỗi năm được hai lứa lợn xuất chuồng, cứ cuốn chiếu như vậy vài năm, việc chăn nuôi của gia đình cũng đã phát triển hơn. Cho tới nay gia đình cũng đã có một trang trại cùng 10.000 gốc thanh long, một cửa hàng bách hóa và một khách sạn 30 phòng”, ông Tuấn cho hay.

Từ các vùng quê nghèo, những cựu chiến binh như ông Ngọc, ông Tuấn đã cùng các đồng đội, người dân địa phương giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giúp đời sống khá giả hơn.

Xuất ngũ với 120.000 đồng, cựu chiến binh biến quê nghèo thành khu du lịch sinh thái - Ảnh 6.

Thượng tướng Bế Xuân Trường, chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, trao đổi cùng các cựu chiến binh tại buổi giao lưu – Ảnh: NAM TRẦN

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng

Không chỉ giúp nhau làm kinh tế giỏi, giúp địa phương thoát nghèo mà các cán bộ, hội viên cựu chiến binh trong cả nước còn làm tốt công tác vận động, tuyên truyền trong các phong trào, hoạt động xã hội chung.

Nhiều mô hình phối hợp tuyên truyền giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ trên địa bàn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao, rất khen ngợi.

Trong đó có những mô hình tuyên truyền tiêu biểu như “Ông kể cháu nghe” của tỉnh Phú Thọ và được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành cả nước.

Các cựu chiến binh trong khắp cả nước cũng đã phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ với các hoạt động đoàn kết, đẩy mạnh các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa.

Ông Đặng Đình Công, phó chủ tịch Hội cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho biết năm 2024, hội sửa chữa 90 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ cựu chiến binh, thương binh (50-80 triệu đồng/căn) và tu bổ, sửa chữa các đài tưởng niệm liệt sĩ bị xuống cấp, hư hỏng.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng đã cung cấp vật nuôi, cây trồng cho nhiều hộ gia đình trên khắp cả nước để phát triển kinh tế với tinh thần cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, ông Công cho hay.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *