Trong thế giới đang biến đổi nhanh chóng và sâu sắc, là một đất nước có khí thế và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, nguồn nhân lực trẻ hùng hậu thuộc các thế hệ lớn lên cùng công nghệ, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đi cùng vạch xuất phát với các cường quốc để xây dựng cho mình một “Xã hội Trí tuệ nhân tạo”.
Đây sẽ là mô hình quản lý, vận hành xã hội mới – đạt khát vọng “sánh vai với các cường quốc năm châu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 30-4-2024, tại tòa nhà Loeb House của Đại học Harvard, hội nghị với chủ đề “Nền dân chủ mới với trí tuệ nhân tạo (AI)” đã được Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF) tổ chức với sự tụ hội những nhà tư tưởng lớn, những lãnh đạo có ảnh hưởng ở tầm thế giới sau hơn 5 năm họ cùng thảo luận để tìm một mô hình dân chủ mới cho thế giới với ứng dụng sâu sắc AI – mô hình Xã hội Trí tuệ nhân tạo (AIWS).
Có thể điểm ra những gương mặt như Thống đốc Michael Dukakis – ứng cử viên tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ năm 1988, Alondra Nelson – trợ lý Tổng thống Biden, giám đốc khoa học công nghệ Nhà Trắng, Ami Fields – Meyer – cố vấn cao cấp của Phó tổng thống Harris, các giáo sư Đại học Harvard Thomas Patterson, David Silber Zweig, các giáo sư Đại học MIT Alex Pentland, Nazli Choukri, Lily Tsai, Robert Desimone, cựu thứ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama, cựu bộ trưởng Pháp Elizabeth Moreno…
Ngay sau đó, ngày 1-6-2024 tại Hội nghị Liên tôn giáo 2024 tại Vatican, với diễn văn chào mừng của Giáo hoàng Francis, tôi được mời làm diễn giả một phiên thảo luận rất sôi nổi về trí tuệ nhân tạo và nền dân chủ mới.
Nền dân chủ mới với AI
Xã hội Trí tuệ nhân tạo được phác thảo là một xã hội ứng dụng sâu rộng trí tuệ nhân tạo vào mọi mặt chính trị, xã hội, kinh tế, khoa học công nghệ, kinh doanh, văn hóa, giáo dục.
Nó sẽ giúp tổ chức hệ thống quản trị xã hội, quản trị quốc gia hiệu quả hơn, tối ưu, thông minh hơn, năng suất cao hơn, nhanh hơn; giúp mọi công dân được phát huy cao nhất năng lực của mình, được bình đẳng về cơ hội, phát triển một cách trung thực.
Đặc biệt, Xã hội Trí tuệ nhân tạo được kỳ vọng sẽ củng cố được sự lành mạnh trong xã hội: Người tử tế, trung thực, có trách nhiệm, có đóng góp hiệu quả xây dựng xã hội sẽ được ghi nhận và có cuộc sống không nghèo về vật chất.
Điểm nhấn là dự án Boston Areti AI (BAI) – trợ lý trí tuệ nhân tạo Đức hạnh đặc biệt cho các nhà lãnh đạo, hỗ trợ họ ra quyết định sáng suốt, tối ưu, nhân ái bảo đảm cho hòa bình và an ninh thế giới… đã được BGF công bố như là một ứng dụng đặc biệt của Xã hội Trí tuệ nhân tạo.
Với ý tưởng về Xã hội Trí tuệ nhân tạo, các bạn là người tiên phong trong nghiên cứu và thảo luận để giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất của thế giới. Các bạn thúc đẩy cuộc thảo luận về chính sách kỹ thuật số và cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm đối với AI. Đây là vấn đề có tầm quan trọng rất lớn mà chúng ta vẫn chưa thể hình dung hết…
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen
Vận hội cho Việt Nam
Việt Nam nên triển khai ngay việc xây dựng “Chính phủ Trí tuệ nhân tạo”, dùng AI để cải tổ, tối ưu hệ thống quy định, văn bản dưới luật.
AI sẽ chỉ ra những quy định rối rắm, phức tạp trong quản lý nhà nước, bỏ các quy định, thủ tục gây cản trở sản xuất kinh doanh, theo hướng hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, cho các công dân phát triển.
Chính phủ Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp các nhà lãnh đạo Việt Nam tổng hợp và phân tích dữ liệu để có cái nhìn tổng thể, có thể nhanh chóng nhìn ra các phương án tối ưu để điều phối, phân bổ và sử dụng các nguồn lực quốc gia như vốn, đầu tư công, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, quyết định ưu tiên đầu tư vào những vùng cần thiết, có hiệu quả cao.
Ứng dụng trợ lý trí tuệ nhân tạo Đức hạnh (Boston Areti AI – BAI) có thể hỗ trợ các cấp quản lý đầu tư công phân tích thông tin để biết giải pháp tối ưu, hiệu quả, có căn cứ chắc chắn trong bất kỳ thời khắc nào, giúp bỏ được nhiều cấp trung gian, tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí của quá trình ra quyết định.
Việc kiểm tra, giám sát các cấp cũng sẽ rõ ràng, nhanh chóng, có thể cảnh báo những sai sót, những lệch lạc, để ngăn chặn thiệt hại, từ đó, hệ thống hạ tầng “mềm” sẽ thông thoáng, nhanh chóng, rõ ràng, minh bạch.
Ví dụ: Khi đầu tư đường sắt cao tốc, trợ lý trí tuệ nhân tạo BAI sẽ giúp chúng ta tổng hợp dữ liệu và phân tích để chọn giải pháp hợp lý về giá, hiệu quả, bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng nợ nần hoặc chi phí phát sinh sau khi vận hành mà khi xây dựng dự án đầu tư chưa lường hết được.
Trong các quyết định lựa chọn đối tác, chọn thầu, trợ lý trí tuệ nhân tạo BAI sẽ giúp chỉ ra những yêu cầu, những mục tiêu đúng, cần thiết, để từ đó có lựa chọn công bằng, chính xác, bảo đảm khách quan, khoa học.
Chính phủ Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tái cấu trúc của hệ thống chính trị bảo đảm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, mục tiêu phát triển đất nước đã được nêu trong các nghị quyết của Đảng, nguồn nhân lực của hệ thống chính trị sẽ được tái đào tạo để kỹ năng, trình độ, năng lực sáng tạo của mỗi người được nâng cao hơn.
Những khẩu hiệu “Ý Đảng – Lòng Dân”, “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra” sẽ được thực hiện một cách tự động và bảo đảm mỗi người dân đều có thể góp ý có trách nhiệm, thực hiện quyền hạn của mình, đóng góp trực tiếp với cơ quan chức năng, xây dựng xã hội tốt đẹp hơn qua hệ thống dịch vụ công, tiếp nhận ý kiến, sự đóng góp của nhân dân với sự trợ giúp của AI.
Chính phủ Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tái cấu trúc của hệ thống chính trị bảo đảm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, mục tiêu phát triển đất nước đã được nêu trong các nghị quyết của Đảng, nguồn nhân lực của hệ thống chính trị sẽ được tái đào tạo để kỹ năng, trình độ, năng lực sáng tạo của mỗi người được nâng cao hơn.
Những khẩu hiệu “Ý Đảng – Lòng Dân”, “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra” sẽ được thực hiện một cách tự động và bảo đảm mỗi người dân đều có thể góp ý có trách nhiệm, thực hiện quyền hạn của mình, đóng góp trực tiếp với cơ quan chức năng, xây dựng xã hội tốt đẹp hơn qua hệ thống dịch vụ công, tiếp nhận ý kiến, sự đóng góp của nhân dân với sự trợ giúp của AI.
Hệ thống giáo dục Việt Nam sẽ có đột phá khi áp dụng AI vào mọi cấp bậc học và tạo ra xã hội học tập suốt đời với sự trợ giúp của các trợ lý AI, khuyến khích mỗi người trở thành những nhà sáng tạo.
Các thầy cô giáo sẽ được tái đào tạo để trở thành những người dẫn dắt, truyền cảm hứng cho học sinh, còn kiến thức, tri thức sẽ do trợ lý AI đảm nhận.
Các trường đại học ở Việt Nam có thể tiết kiệm được nhiều chi phí cho các giảng viên, tập trung nguồn lực cho nghiên cứu phát triển.
Áp dụng mô hình đại học Xã hội Trí tuệ nhân tạo, các trường đại học sẽ thu hút những người có ý tưởng sáng tạo, có tầm nhìn xa để dẫn dắt xã hội và xây dựng những ứng dụng tiên phong, trở thành hệ sinh thái sáng tạo, trực tiếp tạo ra sản phẩm dịch vụ cho xã hội.
Sử dụng các trợ lý AI vốn rất đắc lực trong quản trị, các trường đại học cũng sẽ đổi mới được hệ thống quản trị, nhân lực có điều kiện tập trung hơn vào chuyên môn.
Các trường đại học Việt Nam sẽ có cơ hội đi cùng các trường đại học tiên tiến của thế giới nếu các nhà lãnh đạo đại học có tầm nhìn và tư duy ở tầm cao của Xã hội Trí tuệ nhân tạo.
Các công ty sẽ đổi mới triệt để hệ thống quản trị, các doanh nghiệp có thể tạo nhiều trợ lý AI giúp quản trị, kinh doanh về kế toán, tài chính, marketing, quản trị nguồn nhân lực, điều hành… của công ty đột phá, vượt lên.
Điều cần thiết lúc này là lãnh đạo các công ty cần có những ý tưởng đặc sắc, có tầm nhìn xa và tư duy ở tầm cao.
Lãnh đạo doanh nghiệp có thể sử dụng các trợ lý AI của mình để vận hành công ty trong 24 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần.
Đặc biệt với các công ty Việt Nam, trợ lý AI sẽ rất hiệu quả trong xây dựng thương hiệu và uy tín trên thị trường toàn cầu.
Việt Nam – hãy bắt đầu
Trước hết, cần xây dựng nền tảng tri thức cho AI tại Việt Nam (VKAI), đây là chuẩn mực giá trị, chuẩn mực đạo đức, nền tảng dữ liệu, thông tin cơ bản, kiến thức cơ bản về kinh tế, địa lý, lịch sử, khoa học công nghệ, chính trị xã hội, văn hóa nghệ thuật của Việt Nam và thế giới, các hệ thống dữ liệu quốc gia, kết nối với các hệ thống dữ liệu, hệ thống tri thức cho AI trên thế giới ở Mỹ, Nhật, châu Âu, Ấn Độ…
Triển khai chương trình “Người Việt Nam sáng tạo” trên nền tảng tri thức cho AI tại Việt Nam (VKAI):
Đây vừa là chương trình đào tạo phổ quát, vừa là nền tảng công nghệ AI, để giáo dục công dân có phương pháp tư duy sáng tạo, không đưa tin giả, tin sai sự thật, bảo đảm tôn trọng sự khác biệt và đa dạng.
Từ đây mỗi công dân Việt Nam đều biết tạo dựng cuộc sống của mình và đóng góp xây dựng đất nước, xây dựng xã hội văn minh, lành mạnh.
Xây dựng hệ thống dịch vụ công phục vụ nhân dân, tiếp nhận ý kiến nhân dân, tiếp nhận sự đóng góp của nhân dân với sự trợ giúp của AI.