Nguyên đơn là một người thuê nhà, bị đơn là bà chủ nhà trọ đã tự ý giữ nhiều tài sản (có cả cây chổi lau nhà) trong suốt 14 năm qua để buộc người thuê nhà trả tiền thuê còn thiếu.
Vụ việc kéo dài 14 năm
Tháng 7-2007, ông Uông Văn Minh (đã đổi tên) thuê phòng trọ của bà Lê Thị Minh Hồng (quận 8, TP.HCM) với giá 450.000 đồng/tháng, sau đó khoảng một năm thì ông Minh đưa vợ mình vào sống cùng.
Đến tháng 6-2009, do hai bên mâu thuẫn về giá thuê nhà nên vợ chồng ông Minh không thuê nữa. Bà Hồng giữ chiếc xe máy của ông Minh để buộc ông phải trả số tiền 589.000 đồng tiền trọ.
Hai bên tranh cãi, được các cơ quan của phường hòa giải, hai bên thống nhất ba ngày sau sẽ đến trụ sở công an phường để trả tiền, trả xe cho nhau nhưng cuối cùng không thực hiện.
Năm 2011, ông Minh kiện bà Hồng ra tòa. Sau nhiều lần xét xử, đến tháng 6-2023 tòa cấp quận xử sơ thẩm, tuyên bà Hồng phải trả lại xe cho ông Minh và bồi thường 975.000 đồng tiền thu nhập thực tế của ông Minh bị mất do hành vi của bà Hồng chiếm giữ chiếc xe. Ông Minh kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, TAND TP.HCM xét thấy việc ông Minh khởi kiện yêu cầu trả lại tài sản là có căn cứ.
Tuy vậy ông Minh không đồng ý nhận lại chiếc xe mà yêu cầu trả giá trị xe tính theo giá vàng. Ông nói năm 2006 mua xe với giá 9,6 triệu đồng, tương đương 19,2 chỉ vàng 999.
Nay chiếc xe đã hư hỏng hoàn toàn không thể sử dụng được nữa nên ông yêu cầu bà Hồng bồi thường theo giá thị trường của 19,2 chỉ vàng 999. Ông còn đòi bồi thường hơn 1,5 tỉ đồng do mất thu nhập từ chiếc xe mang lại trong 14 năm (ông chạy xe ôm, tính thu nhập 9 triệu đồng/tháng).
Tuy nhiên ông Minh thừa nhận 10 ngày sau thỏa thuận trả xe – trả tiền (ngày 9-8-2009), bà Hồng đã nhắn tin cho ông để trả xe nhưng ông không đồng ý nhận. Tòa căn cứ vào việc này, xác định bà Hồng chỉ giữ xe máy vi phạm pháp luật từ ngày 16-6 đến 9-8-2009 (54 ngày).
Do không chứng minh được thu nhập 9 triệu đồng/tháng nên tòa tính theo mức lương cơ sở là 650.000 đồng/tháng và tuyên bà Hồng phải bồi thường 1,188 triệu đồng cho ông Minh.
Ngoài những khoản trên, ông Minh còn yêu cầu bồi thường 1,67 triệu đồng giá trị các đồ vật bị chiếm dụng (như bàn học bằng gỗ, cây chổi lau nhà, một bao linh kiện điện tử cũ…); 7 triệu đồng chi phí đi lại khởi kiện; bồi thường 15 tỉ đồng do xúc phạm danh dự, nhân phẩm vợ chồng ông trong thời gian ở trọ.
Các nội dung này đều không chứng minh được.
Cuối cùng tòa tuyên buộc bà Hồng bồi thường cho ông Minh giá trị xe máy là 2,26 triệu đồng theo định giá trước đó và 1,188 triệu đồng tiền thu nhập bị mất trong 54 ngày, tổng cộng hai khoản là 3,954 triệu đồng.
Tự ý giữ tài sản có phạm luật?
Tại bản án phúc thẩm, tòa cũng xét mặc dù ông Minh không thanh toán tiền phòng, nhưng việc bà Hồng giữ xe máy để yêu cầu ông Minh thanh toán tiền, việc giữ xe không có sự đồng ý của ông Minh là vi phạm pháp luật, đây là lỗi của bà Hồng.
Ông Minh trong quá trình giải quyết vụ việc cũng yêu cầu xử lý hình sự đối với bà Hồng về một số tội, trong đó có tội chiếm giữ tài sản.
Tuy nhiên tòa phúc thẩm xác định đây là những yêu cầu không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án trong vụ án này.
Tòa án cấp sơ thẩm đã giải thích và hướng dẫn ông Minh nộp đơn cho cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền, nhưng ông Minh không thực hiện. Vì vậy, tòa không có cơ sở xem xét các yêu cầu này.
Dù tòa không xem xét trong trường hợp cụ thể này nhưng tìm hiểu rộng hơn có thể thấy trong thực tế không ít trường hợp chủ nợ tự ý giữ tài sản để trừ nợ hoặc buộc người thiếu tiền mình phải trả tiền. Hành vi này tùy theo tính chất, mức độ mà có thể xem xét trách nhiệm hình sự.
Nếu hành vi lấy tài sản để trừ nợ này được thực hiện dưới dạng dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, hoặc hành vi khác khiến đối phương lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì có thể bị xử lý về tội cướp tài sản theo điều 168 Bộ luật Hình sự.
Nếu hành vi chiếm đoạt tài sản bằng cách đe dọa dùng vũ lực, hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì có thể bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản theo điều 170 Bộ luật Hình sự.
Nếu hành vi lấy tài sản để trừ nợ được thực hiện công khai trước sự chứng kiến của chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản; chủ sở hữu hay người quản lý tài sản biết rõ việc chiếm đoạt nhưng không thể ngăn chặn.
Trường hợp này có thể bị xem xét xử lý về tội công khai chiếm đoạt tài sản theo điều 172 Bộ luật Hình sự. Còn trường hợp lén lút, bí mật lấy tài sản của người khác để trừ nợ có thể bị xử lý về tội trộm cắp tài sản theo điều 173 Bộ luật Hình sự.
Trong giao dịch dân sự, người vay nợ có nghĩa vụ trả nợ nhưng bên cho vay không có quyền tự ý lấy tài sản của người vay nợ để trừ nợ mà không có thỏa thuận từ trước.
Trong trường hợp người vay nợ vi phạm nghĩa vụ, hai bên cần thỏa thuận phương án giải quyết. Nếu không thương lượng được thì chủ nợ có quyền khởi kiện ra tòa án, yêu cầu tòa án kê biên, phong tỏa tài sản của người vay để tránh việc tẩu tán tài sản, bảo đảm thi hành án.
Còn việc tự ý chiếm giữ, tự ý định đoạt tài sản của người vay nợ để trừ nợ là hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ. Do vậy có thể bị xử lý nghiêm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi.
Đã từng có người bị đi tù vì xâm phạm chỗ ở
Năm 2021, TAND cấp cao tại TP.HCM đã bác toàn bộ kháng cáo kêu oan của các bị cáo, giữ nguyên mức hình phạt sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Hải N. (mức án 17 tháng tù) và Lâm Hoàng T. (2 năm tù) về tội xâm phạm chỗ ở người khác.
Trong vụ án này, các bị cáo trên đã có hành vi xâm phạm chỗ ở trái phép khi “đòi” lại căn nhà đã nhận cọc bán trước đó.
Theo nội dung vụ án, căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) do bà Hoàng Trọng A.C. đứng tên chủ sở hữu. Tháng 10-2017, bà C. ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất trên cho bà Hoàng Thị Th..
Bà C. nhận 7 tỉ đồng tiền cọc của bà Th. và bàn giao căn nhà đang xây dựng dở cho bà Th. thi công nốt. Trong quá trình thi công, phía bà Th. có vi phạm nên Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM ra nhiều quyết định xử phạt và buộc chủ đầu tư công trình là bà C. khắc phục.
Bà C. ủy quyền cho em họ là Lâm Hoàng T., cũng là người góp vốn mua căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm với bà C. để Hoàng Thị Th. khắc phục vi phạm xây dựng, hoàn công căn nhà.
Chiều 19-9-2019, ông T. và ông Nguyễn Hải N. (bạn ông T.) đến căn nhà trên yêu cầu mọi người ra khỏi nhà và bế ba đứa trẻ ra khỏi nhà để tháo dỡ phần xây dựng vi phạm.
Sau đó, bà Th. gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo sự việc. Tối 1-10-2019, Công an quận 1 khởi tố bị can, bắt tạm giam ông N. và ông T..