3 công chức hải quan sân bay Tân Sơn Nhất lãnh án

Các bị cáo tại tòa – Ảnh: ĐÌNH KHẢI

Theo đó, về tội “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Thu Dung (53 tuổi, ngụ TP.HCM) 7 năm tù; Phan Thị Thanh Thảo (36 tuổi), Trần Thị Kiều (39 tuổi, cùng ngụ Kiên Giang) cùng 5 năm tù; Nguyễn Thị Thùy Trang (51 tuổi, ngụ TP.HCM) 4 năm tù. 

Đồng thời tòa áp dụng hình phạt tiền đối với Lê Minh Văn (40 tuổi), Đặng Hồng Quang (56 tuổi), Trang Anh Vũ (41 tuổi, cùng ngụ TP.HCM), mỗi người 1,5 tỉ đồng.

Phan Đằng Giao (58 tuổi, ngụ TP.HCM) lãnh 2 năm tù cho hưởng án treo về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 

Theo cáo trạng truy tố, tổng giá trị hàng hóa mà Kiều, Dung, Thảo, Vũ, Trang phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” là từ 288,1 triệu đồng đến 990,9 triệu đồng.

Riêng Văn, Quang là công chức hải quan, cùng chịu trách nhiệm hình sự về tội “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” với tổng trị giá hàng hóa là 876,3 triệu đồng. 

Còn Phan Đằng Giao, là công chức hải quan phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” với số tiền thiệt hại là 108,5 triệu đồng.

Theo hội đồng xét xử, căn cứ lời khai của các bị cáo tại tòa và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở xác định vụ việc xảy ra vào ngày 27-3-2023 tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM). 

Trang, Dung, Thảo, Kiều và Vũ thường xuyên vận chuyển hàng hóa (rau, hoa quả, các loại hạt, bánh kẹo…) từ Việt Nam qua Hàn Quốc bán, và nhận làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa (sâm, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm…) từ Hàn Quốc về lại Việt Nam.

Những người này biết rõ phải thực hiện thủ tục khai báo hải quan khi nhập cảnh theo quy định, tuy nhiên, do động cơ vụ lợi nên vẫn thực hiện hành vi vi phạm để được hưởng phí vận chuyển. 

Do quen biết Văn là công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nên trước khi xuống máy bay, Dung nhắn tin và được Văn nhắn tin trả lời là “M5”, tức là đưa hàng hóa qua máy soi chiếu số 5.

Khi vào nhà ga sân bay, Dung đã thông báo cho Kiều, Thảo và Vũ đưa hàng hóa đi qua máy soi chiếu số 5, đang có Quang và Giao đứng trực.

Mặc dù không được phân công nhiệm vụ trực máy soi chiếu số 5, nhưng do Dung và Vũ đã liên hệ từ trước nên Văn tự ý đến khu vực máy soi số 5, trực tiếp kiểm tra kiện hàng của Dung. 

Quang có mặt tại vị trí kiểm tra nhưng không kiểm tra các kiện hàng còn lại để toàn bộ lô hàng Dung, Vũ được thông quan.

Sau khi hàng thông quan, Dung, Kiều, Thảo và Vũ chuyển hàng ra bãi xe tập kết để người làm của Trang đến nhận. Đối với mặt hàng điện thoại di động, Dung yêu cầu Thảo và Kiều bỏ vào chung vali xách tay để Dung vận chuyển qua luồng xanh (không qua soi chiếu) ra ngoài giao cho người làm của Trang giữ hộ.

Đối với Giao là công chức hải quan được phân công trực tại máy soi chiếu luồng đỏ số 6. Tuy nhiên, tại thời điểm từ 14h đến 15h14 ngày 27-3-2023, Giao có mặt tại máy soi chiếu số 5 nhưng không thực hiện kiểm tra hàng hóa thực tế đối với kiện hành lý của Dung để các kiện hàng này được thông quan.

Tòa nhận định hành vi phạm tội nêu trên của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của đất nước, cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật để răn đe và phòng ngừa chung.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *