9 điểm mỗi môn vẫn trượt đại học: Chắt lọc đầu vào để đảm bảo đầu ra?

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại chương trình tư vấn tuyển sinh 2024 do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Như đã thông tin, ngày 18-8, các trường đại học trong cả nước tiếp tục công bố điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Thống kê cho thấy điểm chuẩn năm nay có nhiều biến động, đặc biệt các ngành tuyển tổ hợp văn – sử – địa điểm chuẩn cao chót vót, bỏ xa các ngành xét tuyển toán – lý – hóa.

Không ít ngành, thí sinh đạt 9,6 điểm mỗi môn vẫn rớt nguyện vọng đăng ký.

Kinh hoàng, vì đâu?

Đó là phản ứng chung của phần lớn bạn đọc. Không chỉ ngạc nhiên, nhiều bạn đọc còn đặt câu hỏi tại sao có sự bất bình thường này và mong muốn có lời giải đáp từ những người có trách nhiệm.

“Không biết nên vui hay buồn. Tôi buồn nhiều hơn vì điểm không phản ánh đúng chất lượng đào tạo” – bạn đọc Thành bày tỏ.

Bạn đọc tài khoản tvt chia sẻ: Thế hệ 5x, 6x học phổ thông hệ 10/10, thi đại học theo khối A, B, C, D đều có chung đánh giá là điểm thi đại học bây giờ chất lượng không bằng trước đây. Do đó ba điểm 9 vẫn trượt là bình thường, chẳng có gì là ngạc nhiên. 

“Nhiều người nghĩ không biết nên vui hay buồn. Tôi thì nghĩ buồn cũng có mà vui cũng có” – tài khoản tvt viết. 

Theo nhiều bạn đọc, điểm đầu vào cao là tín hiệu đáng mừng, nhưng nếu theo tiêu chuẩn của Trường đại học Sư phạm Hà Nội, hai ngành sư phạm ngữ văn và sư phạm lịch sử có điểm chuẩn lên đến 29,3 mới trúng tuyển thì quá bất thường.

Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh phải đạt 9,767 điểm mới trúng tuyển.

“Nguyên nhân của việc “9 điểm vẫn trượt” cũng là do “bệnh thành tích” – bạn đọc Phạm Đức bày tỏ.

“Kinh hoàng mỗi môn 9 điểm vẫn trượt”, bạn đọc Nguyễn Văn Thành bày tỏ. “Theo tôi, chính sách tuyển sinh hiện nay bị lỗi, phải sớm chỉnh sửa lại”.

Cùng suy nghĩ này, một số bạn đọc cho rằng đây là điều rất bất thường và cần phải xem lại bởi những năm trước, điểm chuẩn nhóm ngành sư phạm văn, sử, địa dù có cao hơn nhóm ngành sư phạm khoa học tự nhiên, nhưng không quá cách biệt.

Bạn đọc có tài khoản 5 Mì Lát phân tích: Điểm số vào trường đại học phụ thuộc vào độ khó của đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nếu độ khó của đề cao thì điểm số vào đại học sẽ thấp. Lúc này nhiều phụ huynh sẽ phàn nàn sao đề thi khó quá.

Nếu độ khó của đề thấp thì điểm số vào đại học sẽ cao. Lúc này phụ huynh và thí sinh cũng sẽ phàn nàn. “Vậy làm sao cho vừa lòng của thí sinh và phụ huynh học sinh đây?”.

“Thống kê cho thấy điểm chuẩn năm nay có nhiều biến động”, cũng bình thường thôi. Bởi vì, mức độ khó, dễ của đề thi tốt nghiệp phổ thông mỗi năm mỗi khác, nó không đứng yên một chỗ. Mặt khác, càng về sau này tỉ lệ chọi càng cao do chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường đại học không đổi bao nhiêu, nhưng số lượng đăng ký đầu vào tăng lên đáng kể” – bạn đọc tài khoản 5 Mì Lát viết tiếp.

Ngành sư phạm phải sàng lọc đầu vào 

Trong lúc chờ đợi câu trả lời năm nay lý do nào ngành sư phạm tổ hợp văn 9 điểm vẫn trượt từ những người có trách nhiệm, bạn đọc Sông La đề nghị: “Tôi mong ngành giáo dục nên xem lại cách thi đầu vào. Bản thân những người ra đề chắc gì đã được điểm cao chót vót như vậy, sao lại đòi hỏi thí sinh những điều vô lý như vậy?”

“Học để có tri thức, học để làm người, mà cứ đòi phải toàn diện, nếu ai cũng vậy thì chắc đã thành giáo sư, tiến sĩ hết rồi” – một bạn đọc viết.

Ở góc nhìn khác, bạn đọc Bùi Bảo Sơn cho rằng rất ủng hộ đầu vào của ngành sư phạm phải được sàng lọc kỹ càng bởi “vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Góp thêm một giải pháp dung hòa, bạn đọc tài khoản Tom Tom phân tích: “Tôi nghĩ chính sách đánh giá có vấn đề. Phân phối điểm theo tổ hợp dạng hình chuông, mới phân loại thí sinh được. Những người được điểm tối đa nhưng thực ra kiến thức không bằng nhau, hay nói cách khác 10 không bằng 10”.

“Một giáo viên giảng dạy nhiều lớp, tuổi nghề giáo viên cũng lâu, vậy hãy để những người ưu tú nhất được vào ngành sư phạm, chỉ như vậy mới chấn hưng được giáo dục và giữ được giá trị của tôn sư trọng đạo” – bạn đọc này phân tích.

Cùng quan điểm, bạn đọc tài khoản Minh kute viết: “Ngành sư phạm điểm chuẩn cao là đáng mừng cho ngành giáo dục. Thầy giỏi thì trò mới ngoan được”.

Tôi thấy chẳng có gì phải lo cả. Đơn giản tỉ lệ cạnh tranh cao và sức hút của ngành làm cho điểm chuẩn tăng lên. Thí sinh điểm cao vẫn rớt có nghĩa là có người khác cao hơn.

Vấn đề là làm sao tư vấn cho các thí sinh chọn lựa phù hợp với năng lực và ngành mình mong muốn, đừng quá ảo tưởng.

Bạn đọc tài khoản TKiet

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *