Câu trả lời: đó là một đảo quốc có diện tích 600km2 với 170.000 dân cùng một nền thể thao có lẽ chỉ bằng 1/10 của Việt Nam. Xuyên suốt lịch sử, họ mới có 36 VĐV giành vé dự Olympic.
Sự áp đảo của NCAA
Một quốc gia nhỏ bé với truyền thống thể thao ít ỏi như vậy lại có thể làm nên kỳ tích tại Olympic. Hơn nữa, nội dung chạy 100m còn được xem là một trong những cuộc đấu hấp dẫn nhất.
Đáng nói hơn, Alfred đã vượt qua hai ngôi sao điền kinh Mỹ là Sha’Carri Richardson (HCB) và Melissa Jefferson (HCĐ) để giành chiến thắng. Quá nghiệt ngã với Mỹ – nền thể thao số 1 thế giới, đặc biệt khi họ đang cạnh tranh gắt gao với Trung Quốc ở kỳ Olympic năm nay.
Nhưng người Mỹ liệu có buồn?
Thật khó để nói điều đó. Kể cả khi thất bại trước Trung Quốc trong cuộc đua huy chương tại Olympic 2024, Mỹ vẫn có thể tự hào rằng họ là nền thể thao số 1 thế giới. Những kỳ tích như Julien Alfred tại Olympic 2024 được tạo ra bởi chính “ngành công nghiệp thể thao” mang thương hiệu Mỹ.
Năm 17 tuổi, cô gái người Saint Lucia khăn gói sang Mỹ, nơi cô theo học ở Đại học Texas. Và trước khi vươn ra tầm thế giới, Alfred đã tỏa sáng ở hệ thống Giải thể thao sinh viên Mỹ (NCAA).
Ngày 5-8, Đại học Texas đưa ra thống kê thú vị. Nếu họ được thành lập một đoàn thể thao, Đại học Texas hiện tại sẽ xếp thứ 12 trên bảng tổng sắp huy chương Olympic.
Cụ thể, các sinh viên (hoặc cựu sinh viên) của Đại học Texas đã đoạt 4 HCV, 5 HCB và 3 HCĐ tại Olympic Paris. Và Đại học Texas cũng chỉ là một phần trong hệ thống thể thao sinh viên hùng mạnh của người Mỹ và luôn thể hiện dấu ấn rất rõ tại các kỳ Olympic.
Thống kê của NCAA cho biết 65% VĐV Mỹ dự Olympic Paris là các thành viên từng dự hệ thống giải đấu của họ. Điều này đồng nghĩa với việc là sinh viên các trường đại học Mỹ, cụ thể là 385/592 người.
Mặt khác, có đến hơn 700 VĐV dự Olympic năm nay từng hoặc đang là sinh viên ở Mỹ. Như vậy, các đại học Mỹ đóng góp đến hơn 300 VĐV cho những đoàn thể thao đến từ các quốc gia khác.
Sức mạnh của thể thao Mỹ
Olympic Paris 2024 chứng kiến hàng loạt bất ngờ đến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ nhỏ bé. VĐV đến từ Saint Lucia, CH Dominica hay Hong Kong liên tiếp đoạt HCV, thậm chí là ở những môn thể thao vốn là thế mạnh của các quốc gia phương Tây hùng mạnh. Và một phần đáng kể thành tích đó đến từ công thức đào tạo của người Mỹ.
Vivian Kong, nữ kiếm sĩ đoạt HCV kiếm 3 cạnh cá nhân, tốt nghiệp Đại học Stanford – ngôi trường sản sinh ra hàng chục nhà vô địch Olympic. Armand Duplantis, VĐV Thụy Điển giành HCV đi bộ, trưởng thành từ Đại học bang Louisiana. Thea Lafond, người mang HCV lịch sử về cho CH Dominica (quốc gia nhỏ bé tương đương với Saint Lucia), cũng là một cựu sinh viên Mỹ khi cô tốt nghiệp Đại học Maryland…
Thậm chí, tầm ảnh hưởng của người Mỹ vươn ra đến cả những cường quốc thể thao. Nổi bật nhất chính là siêu sao bơi lội người Pháp Leon Marchand – người được mệnh danh là ông vua mới của đường đua xanh.
Marchand vốn là con nhà nòi của thể thao Pháp. Cha anh là ông Xavier Marchand – một kình ngư có tên tuổi với tấm HCB thế giới năm 1998, còn mẹ anh – bà Celine Bonnet – cũng là VĐV bơi chuyên nghiệp.
Với lý lịch thể thao ấn tượng như vậy, Leon Marchand đã là ngôi sao được các CLB bơi chuyên nghiệp của Pháp săn đón từ khi còn là một cậu học sinh.
Nhưng rồi cả cha mẹ và HLV cá nhân của Marchand đều xác định anh nên sang Mỹ “tầm sư học đạo”. Kết quả là kình ngư người Pháp nhận suất học bổng của ĐH bang Arizona.
Cũng trong giai đoạn này, tài năng của Marchand bùng nổ. Anh thậm chí còn được HLV người Mỹ Bob Bowman – người nổi danh với vai trò HLV của Michael Phelps – nhận đào tạo.
Cả hai không có mối quan hệ nào trước đó. Marchand đơn giản chỉ gửi đến Bowman một email, và rồi vị HLV nổi tiếng này đồng ý. Cần biết, ông Bowman vốn là HLV trưởng đội bơi của Đại học Texas.
Vì Marchand, đội bơi Mỹ đã mất 2 – 3 HCV các nội dung bơi sở trường. Vì Alfred, Mỹ cũng mất HCV chạy 100m nữ họ luôn khao khát… Nhưng nhìn chung, những kết quả đó chỉ càng phản ánh ngành công nghiệp thể thao hùng mạnh của người Mỹ.