Công dân Việt Nam tại Trung Đông, Myanmar và Bangladesh vẫn an toàn

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt – Ảnh: NAM TRẦN

“Tình hình công dân Việt Nam tại các nước trên vẫn an toàn”, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online tại họp báo thường kỳ của bộ này chiều 8-8.

Trước đó, Tuổi Trẻ Online đề nghị Bộ Ngoại giao cập nhật thông tin về tình hình công dân tại Trung Đông, Myanmar và Bangladesh, cũng như đánh giá thế nào về tình hình và phương án bảo hộ công dân.

Trả lời vấn đề này, ông Đoàn Khắc Việt cho biết trước tình hình căng thẳng tại Trung Đông có diễn biến phức tạp, ngày 5-8, Bộ Ngoại giao đã ra cảnh báo công dân Việt Nam không đến Lebanon, Israel và Iran trong thời điểm hiện tại.

Nếu đang ở các nước trên, công dân cần sơ tán người và tài sản đến nước thứ ba hoặc trở về Việt Nam, tuân thủ các quy định và hướng dẫn biện pháp bảo vệ an toàn, an ninh của nước sở tại.

Với diễn biến phức tạp tại Bangladesh, ngày 7-8 Bộ Ngoại giao đã ra thông báo, khuyến cáo công dân cân nhắc không đến Bangladesh vào thời điểm này.

Theo Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường, cộng đồng người Việt Nam ở Bangladesh có khoảng 200 người, sống rải rác ở khắp nơi, đông nhất ở khu vực thủ đô Dhaka và thành phố Chittagong.

Có một nhóm 10 sinh viên đang học tại Trường đại học Phụ nữ châu Á ở Chittagong và một số du khách sang du lịch, tìm hiểu cơ hội làm ăn ở Bangladesh.

Công dân tại Bangladesh cần ý thức tự bảo vệ bản thân và gia đình, không đến các khu vực đông người, có nguy cơ xảy ra bạo lực.

Tại Myanmar, Bộ Ngoại giao tiếp tục khuyến cáo nếu không thực sự cần thiết thì không nên đến các bang có diễn biến phức tạp như bang Shan… Nếu đang ở các khu vực này, công dân cần nhanh chóng có phương án sơ tán người và tài sản sang các nơi an toàn khác hoặc về Việt Nam.

Biểu tình tại Bangladesh cuối tuần trước - Ảnh: REUTERS

Biểu tình tại Bangladesh cuối tuần trước – Ảnh: REUTERS

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, đại sứ quán Việt Nam tại các nước và khu vực trên đề nghị cơ quan chức năng sở tại đảm bảo an toàn tối đa cho công dân Việt Nam. Các cơ quan đại diện Việt Nam cũng đã chủ động xây dựng các phương án bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. 

“Chúng tôi lưu ý công dân cần thường xuyên theo dõi thông tin, các khuyến cáo của cơ quan sở tại, các cảnh báo của Bộ Ngoại giao cũng như cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước trên để có phản ứng kịp thời”, ông Việt nói thêm.

Căng thẳng giữa Israel với Iran, lực lượng Hamas tại Dải Gaza và lực lượng Hezbollah tại Lebanon đã leo thang sau khi hai thủ lĩnh của hai nhóm này bị ám sát. Iran, nhóm Hamas và Hezbollah – hai đồng minh của Tehran – đã cáo buộc Israel thực hiện vụ việc, đồng thời tuyên bố sẽ trả thù.

Trước tình hình tại Trung Đông, nhiều nước, trong đó có phương Tây, đã khuyến cáo công dân rời khỏi khu vực. Mỹ, một đồng minh của Israel, cũng có động thái chuẩn bị phòng thủ trong trường hợp Iran và đồng minh tấn công trả đũa.

Tại Myanmar, cuộc đối đầu vũ trang giữa quân đội nước này và nhóm sắc tộc thiểu số diễn biến ngày càng nguy hiểm. Nhiều khu vực hiện đã nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm sắc tộc thiểu số, không ít tướng lĩnh cấp cao quân đội Myanmar bị bắt.

Còn tại Bangladesh, căng thẳng từ hàng loạt vấn đề kinh tế – xã hội đã thổi bùng biểu tình và bạo lực. Biểu tình sau đó leo thang thành phong trào phản đối chính phủ, yêu cầu Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức sau 15 năm cầm quyền, rồi trở thành bạo loạn khiến hơn 400 người chết.

Hôm 5-8, quân đội Bangladesh xác nhận bà Hasina đã từ chức và rời khỏi đất nước trên một chiếc trực thăng.

Đường dây nóng bảo hộ công dân Việt Nam

Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần thiết, đề nghị công dân liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân:

Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập (kiêm nhiệm Lebanon): +201 02 613 9869;

Đại sứ quán Việt Nam tại Iran: + 98 21 224 11670

Đại sứ quán Việt Nam tại Israel: +972 50 818 6116

Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh: +880 1711595379

Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar: +959660888998.

Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *