Ngày 9-8, ông Đỗ Tùng Lâm – phó chủ tịch UBND huyện An Lão (Bình Định) – cho biết thông tin như trên. Ông Lâm nói nhà máy sản xuất chè tiến vua dự kiến có tổng vốn đầu tư gần 5 tỉ đồng, do Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Q-Link làm chủ đầu tư.
Nhà máy sản xuất chè tiến vua nêu trên có tổng diện tích 2,2ha, đặt tại xã An Toàn với định hướng sẽ sản xuất ra nhiều loại trà ngon: bạch trà, hồng trà, thanh trà…
Đặc biệt, mỗi năm nhà máy sẽ sản xuất hơn 86kg trà khô loại thượng hạng với giá lên đến hàng chục triệu đồng/kg.
“Hiện tại Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Q-Link đang làm quy hoạch chi tiết 1/500. Sau khi quy hoạch được duyệt thì nhà đầu tư sẽ triển khai. Tiến độ thực hiện dự án từ quý 2-2024 đến quý 4-2025”, ông Lâm thông tin.
Hiện nay, chè tiến vua ở An Lão có tổng cộng 6.117 cây, phân bố tại các khu rừng tự nhiên quy hoạch chức năng sản xuất và trong nương rẫy, vườn rừng của nhân dân tại xã An Toàn.
Mỗi cây có tuổi đời trên 700 tuổi và có chiều cao 5 – 10m. Trong đó, nhiều cây chè cổ thụ đường kính hơn 40cm. Muốn hái được chè này, người dân phải bắc giàn và leo lên hái từng búp nhỏ mang về.
“Do cây chè tiến vua tại xã An Toàn chủ yếu mọc trong rừng sâu nên khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ giúp người dân có thêm thu nhập từ việc tận thu, chăm sóc cây chè. Đây là một việc có ý nghĩa rất tích cực đối với bà con địa phương”, ông Lâm chia sẻ.
Như Tuổi Trẻ Online từng thông tin, rừng chè tiến vua hay còn gọi là chè Ô Long, chè Gia Long mọc tự nhiên ở vùng đất có độ cao hơn 900m so với mặt nước biển. Đây là nơi có danh xưng là Bãi cỏ Gia Long, nơi chăn thả gia súc của vua Gia Long, nằm trên địa bàn thôn 2, xã An Toàn.
Lá chè xanh tiến vua vo nấu nước có màu vàng sánh rất đẹp. Khi uống có vị đắng ở đầu lưỡi, ngọt hậu, thơm ngon và có mùi đặc trưng.
Ông Tạ Xuân Chánh – giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định – nói rằng sở dĩ có tên là chè tiến vua vì đây là một loại chè quý hiếm.
“Theo lời kể, do loại chè này mọc trong rừng tự nhiên, khó tiếp cận, thu hái nên ngày xưa chỉ có vua và quan lại triều đình mới được thưởng thức. Hằng năm, người dân dâng tặng chè lên cho vua để biểu thị lòng tôn kính”, ông Chánh chia sẻ.