Suốt hơn một tuần từ vụ ám sát ông Ismail Haniyeh, thủ lĩnh chính trị tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine, thế giới đã nín thở chờ màn đáp trả của Iran cũng như các tổ chức Hồi giáo thân Iran tại Trung Đông.
Mỹ lẫn Iran đều ngăn… Iran
Hôm 6-8 vừa qua, tổ chức Hezbollah ở Lebanon đã có loạt tấn công bằng máy bay không người lái (drone) và rocket vào lãnh thổ Israel nhưng tuyên bố đây “chưa phải là đòn trả đũa”. Trước ngày xảy ra vụ ám sát thủ lĩnh Hamas, một chỉ huy cấp cao của Hezbollah cũng thiệt mạng khi Israel không kích tổ chức này ở Lebanon.
Israel hiện chưa lên tiếng xác nhận hay phủ định việc có liên quan đến cái chết của thủ lĩnh Hamas Haniyeh. Trong khi đó, Mỹ ngay từ khi sự việc bùng nổ đã lên tiếng bảo vệ Tel Aviv, đồng thời cho thấy họ có nhiều nỗ lực xoa dịu căng thẳng giữa các bên.
Qua các kênh ngoại giao, Washington gửi đến Tehran thông điệp rằng căng thẳng leo thang ở Trung Đông không mang lại lợi ích cho Iran. Hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng tuyên bố ông đã có trao đổi với Iran và Israel cho quan điểm xung đột tại khu vực không được leo thang hơn nữa.
Gần đây nhất vào hôm 7-8, phản ứng trước cuộc họp bất thường do Iran triệu tập của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Mỹ kỳ vọng “tất cả các bên có quan hệ với Iran hãy thuyết phục Iran”, như Washington đã thuyết phục Israel, để hai bên không thực hiện bất kỳ hành động nào để leo thang xung đột.
Tuần này cũng có một thông tin đáng chú ý từ Iran International (trụ sở London, Anh). Đài này dẫn nguồn tin giấu tên cho biết tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã trao đổi với Đại giáo chủ Ali Khamenei về việc kiềm chế, không tấn công Israel.
Trong cuộc gặp ông Khamenei, ông Pezeshkian đã kêu gọi tránh việc đáp trả trực tiếp từ Iran vào Israel nhằm ngăn ngừa nguy cơ căng thẳng leo thang có thể dẫn đến một cuộc chiến không mong muốn.
Tổng thống Iran e ngại khả năng Israel sẽ phát động tấn công “ăn miếng trả miếng” khắc nghiệt nhắm vào cơ sở hạ tầng và cơ sở năng lượng tại Iran, khiến kinh tế tê liệt và nguy cơ đất nước sụp đổ. Theo Iran International, nhiều quan chức Iran khác cũng bày tỏ lo ngại cho các hậu quả tiềm tàng.
Hậu quả nặng nề nếu Iran tấn công Israel
Trước nguy cơ xung đột đang treo lơ lửng, nhiều quốc gia và hãng hàng không đã điều chỉnh lịch bay nhằm đảm bảo an toàn cho hàng không dân sự liên quan đến khu vực Trung Đông.
Hôm 7-8, Anh đưa ra khuyến cáo các hãng hàng không tránh không phận Lebanon, còn Ai Cập yêu cầu máy bay dân sự tránh bay đến không phận Iran trong vòng ba tiếng sáng sớm 8-8 (giờ địa phương). Theo trang theo dõi chuyến bay Flightradar24, các hãng hàng không Anh hiện cũng không bay tới Lebanon.
Hôm 7-8, Hãng hàng không Mỹ United Airlines cho biết họ sẽ vẫn duy trì lệnh đình chỉ các chuyến bay đến Tel Aviv (Israel) vì lo ngại về an ninh. Hãng Delta Air Lines của Mỹ cũng tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ New York đến Tel Aviv cho đến ngày 31-8.
Trong khi đó, Hãng hàng không Qantas (Úc) ngày 8-8 thông tin họ đã tạm dừng các chuyến bay thẳng từ thành phố Perth (Úc) đến London (Anh) nhằm tránh bay qua không phận Trung Đông, trong khi tình hình giữa Iran và Israel đang căng thẳng.
Với an toàn là ưu tiên hàng đầu, các máy bay của Singapore Airlines từ hôm 2-8 cũng đã tránh bay qua không phận Iran và đang áp dụng các tuyến đường hàng không thay thế.
Dưới áp lực của nguy cơ chiến tranh bùng phát, thị trường chứng khoán Trung Đông kết thúc phiên giao dịch hồi đầu tuần với các chỉ số giảm sút, trong đó chỉ số Dubai Index giảm mạnh nhất. Các nhà đầu tư lo ngại một cuộc xung đột leo thang với Israel có thể sẽ khiến các lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Iran như năng lượng, sản xuất và dịch vụ chịu tác động nặng nề.
Trong thời gian gần đây, các thị trường lớn trên thế giới liên tục phải “chịu trận” trước nhiều căng thẳng địa chính trị. Tình hình hiện nay tiếp tục đặt giới nhà đầu tư vào tâm trạng căng thẳng khi theo dõi các động thái của Iran, lo ngại nguồn cung dầu thô bị gián đoạn nếu một cuộc xung đột khu vực bùng phát tại “mỏ dầu” Trung Đông của thế giới.
“Các thị trường đã phải ứng phó với những cuộc xung đột trước đó, chẳng hạn như chiến sự tại Dải Gaza, dù xung đột này không có tác động kinh tế lớn lên nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, việc Iran tham gia vào xung đột có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng”, giám đốc Kranthi Bathini của công ty chuyên về đầu tư chứng khoán WealthMills Securities (Ấn Độ) bình luận.
Bom hay tên lửa?
Theo các quan chức Mỹ, Iran đang ngày càng đồng tình với quan điểm của phía Mỹ, rằng có khả năng thủ lĩnh Hamas Haniyeh thiệt mạng do một quả bom cài sẵn, thay vì bị tên lửa từ bên ngoài tấn công, bất chấp thông tin do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đưa ra trước đó đã phủ nhận kịch bản này.
Phía Mỹ được hiểu đã cố gắng thuyết phục Iran rằng đây là vụ chết người do bom, vì vậy phía Iran có thể phản ứng nhẹ hơn so với một cuộc trả đũa quy mô trong trường hợp “mất mặt” vì tên lửa phóng vào Tehran.