Bồi thường hành lang an toàn điện gió, chờ tới bao giờ?

Cảnh người dân chặn xe chở cánh quạt điện gió vào nhà máy điện gió Ia Le 1, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai, ngày 13-7 – Ảnh: B.A.

Việc người dân kéo ra đường chặn xe chở cánh quạt điện gió đòi bồi thường tại huyện Chư Pưh (Gia Lai) mới đây cho thấy cần sớm có quy định về bồi thường, hỗ trợ trong phạm vi hành lang an toàn điện gió.

Dân chặn xe chở cánh quạt điện gió gây áp lực đòi bồi thường

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, mới đây người dân xã Ia Le (huyện Chư Pưh) bỏ công ăn việc làm kéo nhau ra chặn đoàn xe tải chở cánh quạt điện gió vào nhà máy điện gió Ia Le 1.

Mục đích của dân là gây áp lực buộc chủ đầu tư nhà máy điện gió phải bồi thường thiệt hại đối với đất sản xuất và tài sản trên đất trong phạm vi hành lang an toàn điện gió.

Trước bức xúc của người dân, chính quyền huyện phải tổ chức đối thoại và tuyên truyền cho người dân không nên chặn xe di chuyển vì vi phạm pháp luật.

Ngày 12-8, trao đổi với phóng viên, ông Lê Thanh Việt – chủ tịch UBND xã Ia Le – cho biết sau thời gian dài bị chặn xe, đến nay đoàn xe đã đưa cánh quạt vào nhà máy lắp đặt.

“Chúng tôi đã thông báo cho người dân rằng doanh nghiệp đủ điều kiện vận chuyển và tuyên truyền người dân không nên ngăn cản đoàn xe” – ông Việt nói.

Theo một lãnh đạo huyện Chư Pưh, việc giải quyết đền bù, doanh nghiệp và người dân sẽ tiếp tục thương thảo. Còn việc người dân chặn xe đang di chuyển trên đường là sai luật, cố tình vi phạm sẽ bị xử lý, chính quyền đã giải thích cho dân hiểu vấn đề này.

Địa phương nhìn nhận cái khó hiện nay là chưa có quy định pháp lý nào về việc bồi thường, hỗ trợ đất sản xuất, tài sản của người dân trong phạm vi hành lang an toàn điện gió.

Do không có quy định bồi thường, hỗ trợ nên hiện chỉ có giải pháp tuyên truyền, vận động, hòa giải. Đối với hộ nào bị ảnh hưởng nặng, bức xúc quá địa phương mới can thiệp đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ.

Liên quan dự án này, huyện đã làm việc với doanh nghiệp để bố trí đất, hỗ trợ di dời, đền bù nhà đang ở để xây dựng nhà mới. Đến nay, trong số 10 gia đình có nhà ở tại khu vực thì có 8 hộ đã nhận bồi thường đi nơi khác, còn 2 hộ vẫn phản đối.

Cần sớm ban hành quy định bồi thường, hỗ trợ

Ông Phạm Văn Binh – giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai – nói tỉnh đã kiến nghị các cơ quan trung ương nhiều lần về nhu cầu cấp thiết ban hành quy định bồi thường, hỗ trợ trong hành lang an toàn điện gió.

Theo ông Binh, phần đất các dự án điện gió sử dụng trực tiếp để làm đường giao thông, cột tháp gió chỉ chiếm phần nhỏ. Trong khi đó, phần hành lang an toàn điện gió chiếm diện tích lớn không thuộc đất của doanh nghiệp.

Do vậy, câu hỏi đặt ra là nếu bồi thường hỗ trợ phần đất hành lang này thì có giao đất cho doanh nghiệp hay không, cơ sở nào để bồi thường?

Cơ quan này cho rằng trên thực tế đây là khu vực đất của người dân, doanh nghiệp không sử dụng đất này. Nhưng lâu nay người dân nghĩ doanh nghiệp sử dụng cả phần đất trong phạm vi hành lang an toàn điện gió nên gây áp lực buộc bồi thường.

Cụ thể trong dự án điện gió Ia Le 1 tại huyện Chư Pưh, chủ đầu tư đã làm mọi cách thỏa mãn nguyện vọng của người dân nhưng một số hộ vẫn chưa đồng ý.

Theo tìm hiểu của phóng viên, doanh nghiệp đã đề nghị mức bồi thường, hỗ trợ di dời nhà cửa, hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp, đề xuất thuê lại đất của người dân nhưng chưa được đồng thuận.

Theo ông Binh, trước phát sinh này, nhiều địa phương đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành sớm có quy định cụ thể để doanh nghiệp có cơ sở triển khai. Ông Binh cho biết doanh nghiệp có thiện chí giúp dân nhưng việc hỗ trợ, bồi thường phải căn cứ trên các quy định pháp luật.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *