Một chiếc huy chương vàng Olympic 2024 có giá nguyên liệu lên đến 900 USD.
Giá trị này được đẩy cao bởi giá vàng đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục vào giữa tháng 7-2024. Nguyên nhân là do hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương, sự quan tâm của các nhà bán lẻ tại Trung Quốc và kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ của Mỹ.
Giá bạc, thành phần chiếm ít nhất 92,5% trọng lượng của huy chương vàng Olympic 2024, cũng tăng đáng kể trong năm nay.
Mỗi huy chương vàng Olympic chứa 6 gam vàng, và giá trị của chúng thậm chí còn cao hơn so với giá trị nguyên liệu sau khi điều chỉnh theo lạm phát.
Tuy nhiên, giá trị của huy chương vàng Olympic không chỉ dừng lại ở vật chất. Việc huy chương năm nay chứa một phần nhỏ của tháp Eiffel càng làm tăng thêm ý nghĩa lịch sử và tinh thần của nó.
Mỗi chiếc huy chương vàng Thế vận hội đều mang theo một câu chuyện riêng, một dấu ấn của thời đại và một phần tâm hồn của những người đã tạo nên nó.
Giá trị thực của huy chương vàng vượt xa giá trị của vật liệu cấu thành. Nó đại diện cho những giờ phút miệt mài tập luyện, những hy sinh và cả những giọt mồ hôi, nước mắt của các vận động viên.
Đồng thời khi huy chương vàng được trao cho vận động viên, quốc kỳ của quốc gia đó được kéo lên và quốc ca phát lên. Đây còn là niềm tự hào dân tộc lớn lao. Việc giành được 1 huy chương vàng Olympic là điều khó khăn, danh giá nhất trong sự nghiệp thi đấu của vận động viên thể thao đỉnh cao.
Huy chương vàng còn giúp các vận động viên nhận được các khoản thưởng “hậu hĩnh” từ quốc gia của mình. Tiêu biểu như Carlos Yulo – vận động viên giành huy chương vàng cho Philippines tại Olympic 2024 được nhận một căn hộ đầy đủ tiện nghi, hàng chục tỉ đồng tiền thưởng và nhiều phần quà hiện vật giá trị khác.
Trong một số trường hợp, những tấm huy chương Olympic được bán đi có thể đạt giá trị cao hơn nhiều so với giá của những kim loại làm nên chúng. Một trong những tấm huy chương vàng của vận động viên điền kinh Mỹ Jesse Owens giành được tại Olympic Berlin năm 1936 đã được bán với giá 1,5 triệu USD tại một cuộc đấu giá hồi năm 2013.
Huy chương vàng Olympic không chỉ là phần thưởng cho thành tích thể thao mà còn là một biểu tượng văn hóa, một tài sản lịch sử.