Sáng 12-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Thuốc bán lẻ online phải thuộc danh mục thuốc không kê đơn
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết về quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử dự thảo luật đã được chỉnh lý.
Cụ thể, dự thảo quy định thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải thuộc danh mục thuốc không kê đơn, không thuộc thuốc trong danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt.
Thuốc, nguyên liệu làm thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử trừ các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt.
Dự thảo luật cấm kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc online nhưng không qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Về cách thức tiến hành, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, dự luật ủy quyền giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
Về cơ chế quản lý quảng cáo thuốc, theo bà Thúy Anh, dự luật được chỉnh lý theo hướng giữ lại quy định xác nhận nội dung quảng cáo thuốc như luật hiện hành. Dự thảo giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung quảng cáo thuốc…
Đừng để tiền mất tật mang về quảng cáo thuốc
Theo bà Thúy Anh, thể hiện tính chất đặc thù trong quản lý giá thuốc, dự luật quy định về công bố giá bán buôn thuốc dự kiến thay cho thủ tục kê khai giá bán buôn thuốc, để tránh nhầm lẫn với biện pháp kê khai giá trong Luật Giá.
Theo đó, dự luật đã bổ sung giải thích từ ngữ “giá bán buôn thuốc dự kiến”, “công bố giá bán buôn thuốc dự kiến”, “công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến”, “mặt hàng thuốc tương tự”, xác định rõ chủ thể thực hiện thủ tục, cơ quan tiếp nhận thủ tục.
Dự luật quy định cụ thể hơn về biện pháp quản lý giá, quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở kinh doanh dược liên quan tới thực hiện các biện pháp quản lý giá thuốc.
Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng về giá thuốc, điểm mới của dự luật là kiểm soát giá bán buôn.
Ông nhấn mạnh nội dung này cần tiếp tục nghiên cứu, không làm ảnh hưởng việc mua thuốc của cơ sở y tế. Đồng thời, phải làm rõ trách nhiệm của cơ sở kinh doanh khi công bố giá và của cơ quan quản lý cảnh báo về giá bán thuốc.
Theo ông Mẫn, hiện vấn đề người dân quan tâm nhất là chất lượng thuốc và ông cũng phát biểu một lần ở thảo luận tổ là đừng để tiền mất tật mang về quảng cáo thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Làm sao để người dân sử dụng thuốc an toàn, ngành y tế phải kiểm soát được chất lượng thuốc, giá bán ở các nhà thuốc phải thống nhất.
Không thể cùng một loại thuốc nhà thuốc A bán giá này, nhà thuốc B bán giá khác. Đề nghị các cơ quan làm việc, lắng nghe ý kiến nhiều ngành, nhiều cơ quan”, ông Mẫn nêu.
Ông cũng chỉ rõ giờ quảng cáo thuốc trên truyền hình nhiều loại quảng cáo như thuốc nhưng lại là thực phẩm chức năng, quảng cáo mà không chịu trách nhiệm thì như thế nào, cần quy định chặt chẽ.
Dẫn quy định 178 của Bộ Chính trị về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, ông Mẫn yêu cầu cần rà soát luật này có nhóm tiêu cực, nhóm lợi ích nào không để điều chỉnh.
Cũng nêu ý kiến về giá bán buôn thuốc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói đây là quy định đặc thù, nhưng không trái với Luật Giá và doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất phải gửi thông báo đến Bộ Y tế để công bố. Đồng thời, Bộ có quyền kiến nghị.
Nhưng theo ông, cần làm rõ giá trị pháp lý kiến nghị của Bộ Y tế. Trong đó, cơ sở sản xuất và nhập khẩu đề xuất giá bán buôn, Bộ Y tế kiến nghị các doanh nghiệp có bắt buộc thực hiện không, không thực hiện thì sao.