Theo đó, cử tri Hà Nội đề nghị khi triển khai thực hiện nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (sáp nhập) giai đoạn 2023-2030 phải từng bước thận trọng, chặt chẽ.
Nhất là công tác cán bộ, việc đặt tên đơn vị mới (hợp lòng dân, phù hợp truyền thống văn hóa của địa phương khi sáp nhập) và việc quản lý tài sản công (trong đó có các trụ sở hành chính)…
Có hướng dẫn cụ thể việc sắp xếp các chức danh trưởng, phó và thành viên các ban của HĐND khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính nêu trên.
Khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có
Phản hồi nội dung này, Bộ Nội vụ nêu rõ quá trình xây dựng trình cấp có thẩm quyền về việc tiếp tục thực hiện sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023 – 2030 đã được Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ.
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết 35 và Chính phủ đã ban hành nghị quyết 117, các bộ, cơ quan trung ương đã ban hành sớm, đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện.
Trong đó có việc thực hiện từng bước theo 2 giai đoạn (giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030).
Việc này nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan trung ương và các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương lớn của Đảng về sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023 – 2030.
Về việc đặt tên đơn vị hình thành sau sáp nhập, theo Bộ Nội vụ đã được quy định cụ thể tại nghị quyết 35/2023.
Theo đó việc đặt tên, đổi tên đơn vị hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Cụ thể phải bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.
Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
Cũng trả lời thêm ý kiến cử tri thành phố Đà Nẵng về vấn đề đặt tên, Bộ Nội vụ nêu rõ đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về một số lưu ý khi xây dựng, trình đề án sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023 – 2025
Trong đó đã lưu ý việc đặt tên đơn vị huyện, xã sau sáp nhập là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng gắn với giá trị tinh thần, niềm tự hào, tự tôn của cộng đồng dân tộc, cộng đồng dân cư nơi sáp nhập.
Theo đó, các địa phương cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, thận trọng, hợp tình, hợp lý, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất của người dân trên địa bàn.
Trường hợp nhập các đơn vị cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hình thành sau sắp xếp.
Đã có hướng dẫn về giải quyết chế độ, chính sách với cán bộ dôi dư
Liên quan đến việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và giải quyết chế độ, chính sách dôi dư đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị thực hiện sắp xếp, theo Bộ Nội vụ đã được quy định cụ thể tại nghị quyết 35.
Cùng với đó là văn bản của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn việc thực hiện sắp xếp tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội ở những địa phương thực hiện sáp nhập huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Và văn bản 4099/2023 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, thực hiện chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công nhận vùng an toàn khu, xã an toàn khu, xã đảo, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi thực hiện sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023 – 2030.
Về sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sáp nhập, Bộ Nội vụ thông tin đã được quy định cụ thể ở nghị quyết 35 và các văn bản của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023 – 2030.