Xung quanh câu chuyện Nỗi ám ảnh của hành khách đi tàu hỏa: Nhà vệ sinh, nhiều bạn đọc đã có ý kiến phản hồi đến Tuổi Trẻ Online.
Đi vệ sinh không giội nước, giấy vệ sinh vứt bỏ lung tung
Tôi thường xuyên đi lại bằng tàu hỏa mỗi khi có dịp về quê hay trong những chuyến đi công tác. Công bằng mà nói, vài năm trở lại đây, ngành đường sắt đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Dịch vụ trên những chuyến tàu đầy đủ và tiện ích hơn. Nhiều toa tàu được đầu tư và thay mới hoàn toàn, tiện nghi và màu sắc bắt mắt, đẹp hơn. Như đoàn tàu đôi SE21/SE22 chạy tuyến Sài Gòn – Đà Nẵng, các toa giường nằm rộng rãi được bố trí đèn đọc sách, WiFi sử dụng miễn phí.
Nhưng có những dịp đi trên những chuyến tàu hỏa vào dịp lễ, Tết, có thời điểm tình trạng nhà vệ sinh có lúc bốc mùi hôi.
Lượng khách đông gấp đôi gấp ba ngày thường, nhân viên phụ trách toa tàu quá tải với đủ thứ công việc, lau dọn chưa kịp thời.
Theo quan sát, nhà vệ sinh trên các toa tàu không được sạch sẽ cũng xuất phát từ một phần nguyên nhân là do ý thức của một số hành khách.
Có người khi đi vào nhà vệ sinh xong đôi khi không thèm giội nước dù nhà vệ sinh không hề thiếu nước như chuyện trước đây. Giấy vệ sinh sử dụng xong vứt bỏ lung tung.
Nhiều khi đứng chờ tới lượt bước vào nhà vệ sinh một tay tôi phải bịt mũi, một tay tôi phải nhấn nút để xả nước giùm cho người vừa đi ra.
Đó là chưa kể có nhiều hành khách khi đi tàu hỏa mang theo đồ ăn là bánh kẹo, đậu phộng… vừa ăn vừa làm rơi vãi lung tung xuống sàn tàu. Có người còn thản nhiên vứt hộp giấy, hộp xốp, bịch rác… ngay dưới sàn mà không chịu mang đi bỏ vào thùng rác.
Thiết nghĩ ngành đường sắt cần đầu tư trang thiết bị cũng như áp dụng công nghệ khử mùi tiên tiến, hiện đại hơn như một số nước phát triển đã sử dụng, để phòng vệ sinh trên mỗi toa tàu được sạch sẽ hơn.
Nhân viên phụ trách mỗi toa tàu cũng cần thường xuyên dọn rửa nhà vệ sinh nhiều hơn và nhắc nhở hành khách cần ý thức giữ vệ sinh chung.
Và bản thân mỗi hành khách đi tàu cần chung tay với ngành đường sắt để giảm quá tải và áp lực cho nhân viên phục vụ trên mỗi toa tàu như hiện nay qua những hành động nhỏ: Nhấn nút giội nước sau khi đi vệ sinh, bỏ rác vào thùng…
Bạn đọc Nguyễn Đước
Cơ sở vật chất tàu hỏa đã cải thiện, ý thức mới đáng bàn?
Bạn đọc Phuong bày tỏ: “Trách ngành đường sắt thì hành khách chúng ta cũng nên xem lại mình. Khách đi tàu không giữ vệ sinh thì cả toa tàu bao nhiêu khách làm sao nhân viên vệ sinh làm cho kịp.
Tôi nhiều lần thấy hành khách đem chai, ly nhựa vô nhà vệ sinh sử dụng xong bỏ lăn lóc, giấy thì bỏ xuống sàn luôn”.
Theo bạn đọc LuongVN: “Thực ra cơ sở vật chất trong các đoàn tàu hiện tại đã được cải thiện, chỉ có ý thức của người sử dụng là thứ đáng bàn nhất. Cái này không ai giám sát, kiểm tra được, chỉ có ý thức của mỗi cá nhân thì mới giữ được vệ sinh chung.
Việc vệ sinh trên tàu tưởng chừng rất nhỏ nhưng mang lại tâm lý dè dặt khá lớn cho rất nhiều người khi nghĩ tới loại hình vận tải này.
Rất mong ngành đường sắt chú trọng cải thiện cơ sở vật chất, đồng thời sử dụng các phương tiện truyền thông nâng cao ý thức của hành khách, cải thiện hành vi, cử chỉ trên tàu sao cho văn minh lịch sự”.
Từng công tác trong ngành đường sắt từ những năm 1970, bạn đọc Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: “Nói chung vấn đề vệ sinh trên tàu vẫn chưa giải quyết được triệt để.
Hiện nay toa xe đẹp, tiện nghi; nhân viên lịch sự; chạy đúng giờ… rồi nên nếu giải quyết tốt vấn đề vệ sinh thì số người sử dụng phương tiện đường sắt sẽ tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên việc thiết kế nhà vệ sinh trên tàu cũng có khó khăn. Nên chăng thiết kế một toa chuyên dụng trên một chuyến tàu làm khu vực vệ sinh thì sẽ dễ dọn dẹp hơn”.
Bốn xin và bốn luôn: Đi đâu luôn rồi?
Tôi nhớ ngành đường sắt từng phát động văn hóa ứng xử trong ngành với bốn xin (xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn) và bốn luôn (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ).
Thế nhưng khi đi tàu tôi ít nhìn thấy hình ảnh này ở các nhân viên toa tàu.
Thường thì tàu chỉ dừng ở mỗi ga 3-5 phút nên hành khách ai cũng vội vàng mang vác hành lý để kịp lên toa xe. Có nhân viên giúp đỡ hành khách, có nhân viên không.
Lên tàu, nhất là ở những ga giữa hành trình chứ không ở ga xuất phát, tôi thường có cảm giác không vui với nhân viên phụ trách toa khi thấy giường mình bề bộn chăn ga chưa được thay, thậm chí không được xếp lại cho gọn gàng.
Chỉ những việc nhỏ như vậy, hành khách có cảm giác không được tôn trọng.
Tiếp đến là việc bán đồ ăn trên tàu. Đã nhiều lần tôi tự hỏi sao trên tàu không đính một bảng thông báo: Tàu có phục vụ ăn uống tại toa mấy, từ mấy giờ đến mấy giờ để hành khách tự chủ động đến mua? Sao cứ dăm mười phút lại có xe đẩy đi rao một lượt như vậy?
Hành lang thì nhỏ, xe đẩy chiếm hết lối đi. Mỗi khi hành khách từ trong buồng muốn đi vệ sinh mà gặp xe bán đồ là phải né qua né lại, rất phiền.
Bạn đọc Dã Quỳ