Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt tỉnh Đồng Tháp, mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh theo đề án 1 triệu héc ta lúa đang thực hiện tại cánh đồng ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười.
Mô hình đã gieo sạ vụ thu đông diện tích 43ha với 20 nông dân thuộc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi tham gia. Đến nay lúa được 78 ngày, giống OM18, lượng giống gieo sạ giảm còn 70kg/ha, giảm phân bón, quản lý nước ngập khô xen kẽ, rút nước thành công 3/4 lần.
Viện Môi trường nông nghiệp đang giám sát, chụp ảnh theo lịch bơm, rút nước của hợp tác xã, nhằm tính toán lượng phát thải cơ sở và phát thải giảm.
Dự kiến ngày 20-9 sẽ thu hoạch lúa bằng cơ giới hóa 100%. Sau thu hoạch không đốt đồng, thu gom rơm 100%, rạ trên đồng được cải vùi kết hợp chế phẩm xử lý.
Tuy nhiên còn một số khó khăn như phân vùi không đều, tốn công giặm vá, khó quản lý sâu bệnh; thực hiện rút nước từ 12 – 22 ngày sau sạ theo quy trình kỹ thuật chưa phù hợp, do lúa nhỏ, rút nước sớm, nông dân ngại cỏ dại; mùa mưa, gom rơm trên đồng ruộng khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hùng – giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi – cho biết nông dân tham gia mô hình tuân thủ lượng giống, vật tư, phân bón và thực hành ghi chép nhật ký sản xuất trên điện thoại thông minh.
“Mô hình này chắc ăn giảm giá thành 30% so với ngoài mô hình. Chúng tôi đã ký hợp đồng với công ty, giá bán lúa cao hơn giá thị trường 100 đồng/kg. Qua vụ này chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm vận động bà con tham gia nhiều ở vụ tới, đồng thời hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất thêm 3 vụ nữa”, ông Hùng nói.
Ông Trần Thanh Nam – thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – đánh giá cao mô hình thí điểm tại xã Láng Biển, bước đầu cho thấy nông dân phấn khởi ủng hộ, chi phí giảm 30% so với ngoài mô hình, hình thành cơ chế liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.
“Về phân bón, giống, vật tư đầu vào Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ hoàn toàn cho mô hình điểm. Nhưng cũng cần lưu ý thêm việc xây dựng bộ tài liệu làm cơ sở để hướng dẫn tập huấn cho đội khuyến nông cộng đồng nhằm nhân rộng mô hình.
Tôi mong muốn qua mô hình sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm thực tế trong chỉ đạo và thực hiện đề án 1 triệu héc ta lúa khi nhân rộng diện tích từ mô hình điểm, khuyến nông theo dõi cùng chi cục trồng trọt, nắm kỹ các thông số đảm bảo sát thực tế từ đồng ruộng”, ông Nam nói.